Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Chủ đề   RSS   
  • #614343 22/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 533 lần


    Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

    Để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, trẻ nhỏ và tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm làm việc, pháp luật đã quy định 09 quyền lợi sau đây dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ

    >>> Xem thêm bài viết: Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?

    (1) Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ Luật Lao động 2019, NSDLĐ không được sử dụng NLĐ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

    - Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo

    - Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý

    Như vậy, lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

    NSDLĐ chỉ được phân công cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa khi lao động nữ đồng ý.

    (2) Được làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm việc

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ Luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    (3) Bảo đảm có việc làm

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ Luật Lao động 2019, NSDLĐ không được phép sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

    (4) Tăng thêm thời gian nghỉ ngơi trong giờ làm việc

    Theo đó, khoản 4 Điều 137 Bộ Luật Lao động 2019 quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.

    Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

    Thông thường, người lao động sẽ chọn thời gian nghỉ này vào cuối giờ để được về sớm 1 tiếng.

    (5) Được tạm hoãn hợp đồng lao động

    Theo quy định tại Điều 138 Bộ Luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

    Theo đó, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do lao động nữ thỏa thuận với NSDLĐ nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do bệnh viện chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

    Lưu ý: Lao động nữ phải thông báo cho NSDLĐ biết khi đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

    (6) Được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh

    Theo Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

    Bên cạnh đó, thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    Khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định trên, lao động nữ vẫn có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương nếu như có nhu cầu, nhưng phải thỏa thuận với NSDLĐ. 

    Ngoài ra, lao động nữ có thể trở lại làm việc sớm hơn thời hạn khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý kèm theo đó phải có xác nhận của bệnh viện về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của lao động nữ.

    Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do NSDLĐ trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    (7) Bảo đảm có việc làm sau khi nghỉ thai sản

    Theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật Lao động 2019, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.

    Trường hợp việc làm cũ không còn thì NSDLĐ phải bố trí việc làm khác cho lao động nữ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

    (8) Được nhận các khoản trợ cấp dành riêng cho lao động nữ

    Theo quy định của Điều 141 Bộ Luật Lao động 2019, lao động nữ khi chăm sóc con ốm đau, trong thời gian thai sản hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai thì sẽ được nhận các khoản trợ cấp.

    Cụ thể, trong thời gian nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, đi khám thai, bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, lao động nữ sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    (9) Không bị xử lý kỷ luật lao động

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 122 Bộ Luật Lao động 2019, NSDLĐ không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    (10) Kết luận

    Bên cạnh những quyền lợi trên, lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ còn được hưởng một số ưu đãi khác như: được ưu tiên xét tuyển vào các trường mầm non, được giảm 50% học phí cho con theo học tại trường mầm non công lập, được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên trong thời gian nghỉ thai sản, nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ.

    Những quyền lợi thiết thực này góp phần bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc và cống hiến cho xã hội.

    >>> Xem thêm bài viết: Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?

     
    2413 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (09/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận