Chào các bạn!
Theo quan điểm của tôi, hành vi của người cán bộ tín dụng này (tạm gọi là A) cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mà không cấu thành các tội như các bạn nêu ra là "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Sử dụng trái phép tài sản" và "Tham ô tài sản".
Để làm rõ, hãy bắt đầu bằng việc phân tích để loại trừ việc cấu thành các tội trên cũng như các tội khác liên quan đến chức vụ, quyền hạn.
1/ Về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS).
Về mặt định nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Dựa vào cấu tạo của Điều 140 BLHS và đặc điểm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thì hành vi khách quan của loại tội này có một số đặc điểm cần chú ý sau:
- Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội được xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.
- Sau khi đã nhận được tài sản từ các hợp đồng đó, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đã được quản lý (thủ đoạn gian dối luôn chỉ có sau khi đã nhận được tài sản).
- Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, người phạm tội ko dùng thủ đoạn gian dối mà bỏ trốn với ý thức chiếm đoạt tài sản.
- Tuy không dùng thủ đoạn gian dối, không bỏ trốn nhưng lại dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Theo đó thì hành vi của A không thể là cấu thành của tội này. Bởi tài sản bị A chiếm đoạt không phải là tài sản của chính người đã giao kết hợp đồng với A (mà cụ thể hơn thì đó là hợp đồng với Ngân hàng chứ không phải với A), không phải là tài sản mà họ có quyền sở hữu hoặc quản lý. Việc chiếm đoạt tài sản đó cũng không xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp. Mặt khác, thủ đoạn gian dối (làm hợp đồng giả để đánh lừa ngân hàng) được A thực hiện từ trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt.
2/ Về tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS).
Về định nghĩa, sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do họ đang chiếm giữ.
Khách thể của tội này tuy cũng là xâm phạm đến sở hữu nhưng chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản (tất nhiên muốn sử dụng thì phải chiếm hữu) nhưng không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản.
Như vậy, có thể thấy đặc trưng cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích do tài sản đem lại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản. Sau khi đã khai thác lợi ích của tài sản, người phạm tội sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Còn nếu chiếm đoạt luôn thì sẽ phạm vào một tội khác. Những hành vi điển hình của loại tội phạm này như dùng tiền quỹ của cơ quan cho vay để lấy lãi, dùng xe công chở hàng thuê để lấy tiền…
Có một vấn đề đặt ra ở đây là, hành vi của A có được coi là sử dụng trái phép tài sản không? Tức là A chỉ tạm thời sử dụng số tiền 500tr đó để khai thác giá trị sử dụng mà không có ý định chiếm đoạt như bạn #0072bc;">minhnhien đã đề cập. Và thực tế thì A đã trả lại tài sản.
Theo tôi, không thể suy luận như vậy được. A đã lập một hợp đồng giả để rút tiền ngân hàng ra sử dụng cá nhân, cơ sở nào để nói rằng đến hạn A sẽ trả cho ngân hàng nếu không bị phát hiện. Việc A đã trả lại tài sản, như #ff8c00;">khacduy25 đã nêu, chỉ là biện pháp khắc phục hậu quả.
Hành vi của A nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là quá rõ ràng. Việc sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân là việc định đoạt tài sản, chứ không phải là khai thác tài sản nữa. Vì vậy mà nó cũng không thể là hành vi khách quan thuộc dấu hiệu về mặt khách quan của cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản.
3/ Về tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS).
Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Từ định nghĩa trên, có thể thấy tội tham ô tài sản có 2 dấu hiệu đặc trưng cơ bản và bắt buộc, đó là người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (điều kiện cần) và tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản do chính người phạm tội có trách nhiệm quản lý (điều kiện đủ).
Trước hết, về điều kiện cần, A (cán bộ tín dụng) là người có chức vụ quyền hạn, được giao một số nhiệm vụ quyền hạn cụ thể theo quy định của pháp luật. A đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy A thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể của tội phạm và hành vi của A thỏa mãn điều kiện cần trong mặt khách quan của tội phạm.
Tuy nhiên, về điều kiện đủ, như chủ topic đã đặt câu hỏi bổ sung, cán bộ tín dụng có phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản của ngân hàng hay không?
Xin trả lời ngay rằng, đối với trường hợp cụ thể này thì không.
Về quy định của pháp luật, A là cán bộ tín dụng cho vay, A chỉ có trách nhiệm tìm kiếm khách hàng, xác minh đủ điều kiện cho vay thì lập hợp đồng để người có thẩm quyền phê duyệt. Khách hàng nhận tiền trực tiếp tại kế toán cho vay. Còn A đâu có trách nhiệm quản lý số tiền này nói riêng và tiền của ngân hàng nói chung.
Còn về thực tế thì A đã trực tiếp rút tiền từ ngân hàng. Nhưng như vậy cũng không thể coi là A có trách nhiệm quản lý số tiền đó được. Bởi việc ngân hàng giao tiền cho khách hàng qua A là trái nguyên tắc, nên việc A có được số tiền đó chỉ là dựa trên quan hệ tình cảm.
Vậy hành vi của A thiếu đi điều kiện đủ, một trong hai đặc trưng cơ bản cấu thành tội tham ô tài sản.
Cũng cần nói thêm, giả sử như A là cán bộ tín dụng, có nhiệm vụ đi thu tiền nợ của khách hàng về nộp cho thủ quỹ. Thì thời gian kể từ khi nhận tiền từ khách hàng đến khi giao cho thủ quỹ, A mới là người có trách nhiệm quản lý tài sản của ngân hàng.
4/ Về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS).
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã làm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Vậy thế nào là hành vi lạm dụng? Nó là hành vi vượt quá quyền hạn mà pháp luật cho phép, làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp này không hề có dấu hiệu nào của việc A lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Việc A lập hợp đồng cho vay hoàn toàn nằm trong giới hạn pháp luật cho phép. A chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Với tội này, chỉ cần thế là đủ để kết luận hành vi của A không đủ dấu hiệu cấu thành.
5/ Về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS).
Về định nghĩa: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Khách thể của tội này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân.
Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của nó là những thiệt hại thực tế xảy ra, mà đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.
Trong trường hợp này ta thấy, mặc dù A có chức vụ quyền hạn, hành vi của A gây ra thiệt hại. Nhưng mục đích của A là chiếm đoạt tài sản. Tức là khách thể mà A trực tiếp xâm hại là quan hệ sở hữu, chứ không phải là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
6/ Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS).
Như đã nêu trên, quan điểm của tôi đối với trường hợp này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi hành vi của A thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội phạm này.
Có lẽ xin miễn bàn đến các dấu hiệu về chủ thể, về khách thể (vì đã nêu trên), hậu quả và về mặt chủ quan của tội phạm. Mà chỉ cần làm rõ hành vi khách quan thuộc mặt khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan của A ở đây là lập danh sách khống đối tượng được vay vốn đề rút tiền của ngân hàng phục vụ lợi ích cá nhân. Và hành vi đó được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa chủ sở hữu tài sản (ngân hàng). Với quyền hạn nhiệm vụ của mình, việc lập danh sách khống của A đã làm cho người có thẩm quyền của ngân hàng tin tưởng, mất cảnh giác mà tạo điều kiện cho A lừa được. Bằng việc phê duyệt danh sách của A, ngân hàng (người bị hại) đã tự nguyện giao tài sản cho A (đây là một đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo) và họ cho rằng việc giao tài sản cho A là hoàn toàn hợp pháp.
Mặt khác, thủ đoạn gian dối mà A thực hiện có trước khi có việc giao tài sản giữa ngân hàng với A. Đây cũng là một trong nhxng đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo. Nếu thủ đoạn gian dối được thực hiện sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không pải là lừa đảo, mà tùy từng trường hợp cụ thể, nó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Mong nhận được ý kiến thảo luận của các bạn.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!