Công ty phải trả lương thế nào cho người lao động?
Theo Điều 90 Bộ luật lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
- Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Như vậy, tiền lương mà công ty trả cho người lao động bắt buộc phải từ mức lương tối thiểu trở lên và không có trường hợp nào được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
Xem chi tiết mức lương tối thiểu vùng tại bài viết: Đã có Nghị định 74/2024/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng mới từ 01/7/2024
Cách xử lý khi công ty trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng
Thứ nhất, khiếu nại lên công ty
Theo Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu lên người sử dụng lao động.
- Đồng thời, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp sau đây:
+ Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.
Như vậy, khi công ty trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định thì người lao động có thể khiếu nại thẳng đến công ty (khiếu nại lần đầu).
Nếu doanh nghiệp cố tình không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Ngoài ra, người lao động cũng có thể khởi kiện đến Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu khiếu nại lần đầu không thành công.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/05/mau-don-khieu-nai.docx Mẫu đơn khiếu nại mới nhất
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/05/mau-don-khoi-kien%20(1).docx Mẫu đơn khởi kiện mới nhất
Thứ hai, tố cáo hành vi vi phạm của công ty
Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định:
Người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động.
Theo đó, hành vi trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng là hành vi vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Như vậy, người lao động có thể tố cáo hành vi trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng của công ty cho Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Công ty trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng bị xử lý thế nào?
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, công ty công ty trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng có thể bị phạt tiền từ 40 - 150 triệu đồng.