Chào mọi người. Theo mình thì cách hiểu của QQ và phantantai đều có cái lý của mỗi người và cái lý này xuất phát từ sự quy định không rõ ràng của pháp luật .
Mình có thể tóm lược chút ít về ý kiến của 2 người như sau (đối với ví dụ mà chủ topic nêu - động sản không cần đăng ký quyền sở hữu)
QQ: Trong trường hợp vật rời khỏi chủ theo ý chí của chủ sở hữu (cho mượn, cho thuê...) mà người thứ ba chiếm hữu tài sản ngay tình thông qua hợp đồng có bồi thường thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản. Nhưng Chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp (ở đây là người thứ 2 đã bán tài sản đó) bồi thường thiệt hại về tài sản cho mình.
Đây là căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn áp dụng luật
Trước đây theo quy định của BLDS 1995 thì cho phép người chủ sở hữu đòi lại tài sản trong mọi trường hợp kể cả trường hợp nêu trên. Nhưng đến BLDS 2005 thì quy định này đã thay đổi, giới hạn trong những trường hợp nhất định.
Phantantai: Bạn phân tích dựa trên quy định của luật hình sự rằng: Nếu người B đó mượn xe rồi mang bán là phạm tội hình sự thì người thứ 3 chiếm hữu ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu (vì sử dụng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có).
Ở đây có thể thấy sự "vênh" nhau giữa BLDS và BLHS. Nếu hành vi của người B đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm (giá trị chiếc xe từ 2 triệu trở lên hoặc 4 triệu trở lên tùy trường hợp hành vi phạm tội cấu thành tội nào) thì C phải có trách nhiệm trả lại tài sản cho A và B bồi thường cho C. Nhưng Nếu hành vi của B chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đây là quan hệ dân sự, C không phải trả lại tài sản cho A và B bồi thường cho A.
Nếu vấn đề là hình sự thì thực tế áp dụng, giải quyết lại khác so với dân sự. Theo bản thân mình nghĩ đây là thiếu sót của luật.
Chào Phantantai! Nếu bài QQ phân tích mà bạn vẫn không thấy hợp lý thì bạn có thể đọc tham khảo bài viết này nhé (đây là bài viết trong hội thảo chuyên đề luật dân sự do bộ môn luật dân sự trường ĐH Luật HN tổ chức):
Dưới đây là đường link đăng tải và nội dung bài viết:
http://luatminhkhue.vn/dan-su-1/quy-dinh-khoi-kien-doi-tai-san-theo-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-nuoc-tren-the-gioi.aspx
Quy định khởi kiện đòi tài sản theo pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta giành được chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cần phải xây dựng chính quyền nhân dân và chuẩn bị đối phó với ngoại xâm, vì thế những năm 1945 đến 1959 Nhà nước ta chưa tập trung vào xây dựng hệ thống pháp luật mới.
Cho nên, trong lĩnh vực dân sự áp dụng các qui định trong các Bộ luật dân sự của chế độ cũ để giải quyết các tranh chấp trong xã hội mới nhưng phải tuân theo nguyên tắc của Sắc lệnh số 97/SL về sửa đổi một số qui lệ và chế định trong dân luật. Điều 1 qui định: ” Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người hành xử nó đúng với quyền lợi của nhân dân “.
Thời kỳ quá độ lên CNXH, nền kinh tế của Việt Nam lạc hậu và gồm nhiều thành phần kinh tế, muốn xóa bỏ các hình thức sở hữu phi XHCN thì cần phải có thời gian để cải tạo quan hệ sản xuất phong kiến, xây dựng quan hệ sản xuất XHCN, vì vậy Nhà nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế ba năm và chuẩn bị điều kiện cho việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, nhằm đẩy mạnh công cuộc cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, những người lao động riêng lẻ khác. Đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, dần dần đưa họ vào làm ăn tập thể, phát triển kinh tế theo con đường của CNXH. Để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể trong các thành phần kinh tế khác nhau an tâm lao động sản xuất, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu của người lao động riêng lẻ và quyền sở hữu của các nhà tư bản đối với các tư liệu sản xuất họ đang được phép sản xuất kinh doanh. Điều 11 Hiến pháp 1959 quy định :
“ ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kỳ qua độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước, của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc”.
Như vậy pháp luật của nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyển sở hữu tài sản của các chủ thể. Nếu quyền sở hữu bị xâm phạm, thì cho phép chủ sở hữu khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi cho mình. Toà án sẽ căn cứ vào đường lối chính sách của Đảng để giải quyết tranh chấp về sở hữu.
Từ những năm 1960 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ chính của nhân dân miền Bắc là tập trung sức người, sức của để chi viện cho đồng bào miền Nam, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì vậy trong thời gian này, các giao lưu dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân như mua bán lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác, Nhà nước phân phối theo chỉ tiêu. Thời kỳ này các quan hệ dân sự chủ yếu mang tính hành chính, cho nên tranh chấp dân sự hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, trong giao lưu dân sự có các giao dịch như mua bán nhà ở, đất đai, cho vay thóc gạo…Nếu có tranh chấp về những hợp đồng này thì việc giải quyết bằng biện pháp hoà giải ở hợp tác xã. Đối với những tranh chấp dân sự không hoà giải được thì giải quyết tại Toà án. Để thống nhất đường lối giải quyết các tranh chấp về dân sự, TANDTC tổng kết kinh nghiệm xét xử và ban hành văn bản hướng dẫn TAND các cấp về đường lối xét xử.
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối phát triển kinh tế của nước ta theo hướng xoá bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nền kinh tế của nước ta phát triển dựa trên các quan hệ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Nhà nước coi hình thức sở hữu tư nhân là cần thiết trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Sau năm năm thực hiện nghị quyết Đại hội VI (1986), công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đó, Đại hội VII (1991) của Đảng đề ra định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới và tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo hướng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội đã đề ra hướng sửa đổi Hiến pháp 1980 và tăng cường sửa đổi và xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế, văn hoá, hình sự, dân sự, hành chính…
Trong lĩnh vực dân sự, nhà nước ban hành hệ thống các pháp lệnh: Pháp lệnh về Quyền sở hữu công nghiệp 1989, Pháp lệnh về Thừa kế 1990, Pháp lệnh về Nhà ở 1991, Phấp lệnh về Hợp đồng dân sự 1991, Pháp lệnh về Quyền tác giả 1994. Mục đích của việc xây dựng hệ thống pháp lệnh về dân sự nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Bộ luật dân sự 1995. Vì thế khi xây dựng BLDS, các pháp lệnh trên đã đã được xây dựng thành các phần cơ bản của Bộ luật dân sự 1995.
Như vậy trước Bộ luật dân sự 1995, hệ thống pháp luật dân sự không có văn bản pháp qui qui định về quyền sở hữu tài sản. Quyền sở hữu của công dân, các tổ chức được qui định trong Hiến pháp và rải rác trong các văn bản pháp luật khác. Vì các qui định về quyền sở hữu chưa được xây dựng thành một chế định pháp luật trong hệ thống pháp luật dân sự, cho nên việc giải quyết các tranh chấp về tài sản được áp dụng các nguyên tắc chung của pháp luật luật dân sự đó là Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân theo Điều 27 Hiến pháp 1980 và Điều 58 Hiến pháp 1992.
Lần đầu tiên chế định sở hữu được qui định trong Bộ luật dân sự 1995 tại Phần thứ hai: Tài sản và quyền sở hữu và Chương VI q ui định về bảo vệ quyền sở hữu. Điều 284 BLDS qui định:
“ Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp qui định tại khoản 1, Điều 255 của Bộ luật này”.
Theo tinh thần của điều 284, thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp sau đây:
-Thứ nhất, chủ sở hữu không chuyển tài sản của mình cho bất cứ người thứ hai nào, mà người đó đang chiếm giữ tài sản của chủ sở hữu mà không trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Trường hợp này người đang chiếm hữu tài sản có thể thực hiện hành vi bất hợp pháp như trộm cắp, cướp giật…Hoặc hành vi chiếm hữu ban đầu là có căn cứ như thông qua hợp đồng, hoặc nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên…nhưng không chịu trả lại tài sản cho chủ sở hữu, do đó hành vi thực tế chiếm hữu tài sản là không có căn cứ (bất hợp pháp).
- Thứ hai, chủ sở hữu chuyển tài sản cho người khác thông qua giao dịch như cho mượn, gửi giữ…người chiếm hữu hợp pháp không chuyển cho người thứ ba nhưng người thứ ba thực tế đang chiếm hữu vật. Trường hợp này người chiếm hữu hợp pháp có quyền kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không căn cứ để bảo vệ quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình.
-Thứ ba, chủ sở hưũ chuyền tài sản cho người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu hợp pháp chuyển tài sản cho người thứ ba không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Trường hợp này, người thứ ba có thể ngay tình hoặc không ngay tình đều phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Như vậy, căn cứ pháp lý để chủ sở hữu đòi lại tài sản trong các trường hợp hợp trên là chủ sở hữu không chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác, thì trong mọi trường hợp người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đều phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Căn cứ thực tế để chủ sở hữu đòi lại tài sản là người đang chiếm hữu tài sản làm cho chủ sở hữu không khai thác, sử dụng được tài sản của mình. Vì vậy, cần cho phép chủ sở hữu tự bảo vệ tài sản của mình hoặc yêu cầu toà án giải quyết.
Bộ luật dân sự 1995, được xây dựng vào thời kỳ đất nước ta đang bắt đầu đổi mới, chúng ta đang chuẩn bị xây dựng hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền XHCN, vì vậy trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân chưa cao, cho nên pháp luật cần phải bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản để tránh những trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như như người mượn, thuê tài sản bán cho người thứ ba…sẽ gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Vì thế trong tất cả các trường hợp chủ sở hữu đều có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ ngay tình hoặc không ngay tình.
Sau gần 20 năm đổi mới, nhà nước ta đã xây đựng thành công cơ chế thị trường định hướng XHCN, hệ thống pháp luật được xây dưng tương đối đầy đủ theo yêu cầu của việc hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vì thế, hệ thống pháp luật cần phải phù hợp với pháp luật của các nước, cho nên, Nhà nước đã tiến hành sửa đổi bổ sung nhiều luật và bộ luật, trong đó có Bộ luật dân sự 2005.
Về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu, theo tinh thần của Bộ luật dân sự 2005, Nhà nước ta không những bảo vệ chủ sở hữu mà còn bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Điều 256 Quyền đòi lại tài sản
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này. Trong trường hợp tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì áp dụng Điều 257 và Điều 258 của Bộ luật này.
Điều-257- Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Điều- 258. Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Từ Điều 284 BLDS 1995, Bộ luật dân sự 2005 đã bổ sung hai điều mới là Điều 257 và 258. Đây là những hạn chế quyền đòi tài sản có điều kiện của chủ sở hữu đối với người ngay tình.
Nội dung Điều 257 qui định về đòi lại tài sản không đăng ký quyền sở hữu. Điều luật này có hai vấn đề chính: Thứ nhất, nếu vật rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí, người thư ba ngay tình thông qua hợp đồng không đền bù thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Khi chủ sở hữu chuyển giao cho người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu đó cho tặng người thứ ba, thì người thứ ba phải trả lại tài sản. Theo nguyên tắc, chủ sở hữu đẫ chuyển giao cho người chiếm hữu bằng một giao dịch, cho nên nguời muợn, thuê phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng với chủ sở hữu khi chuyển dịch tài sản cho người thứ ba. Tuy nhiên trường hợp này, người thứ ba có tài sản thông qua giao dịch không đền bù, vì thế nếu phải trả lại cho chủ sở hữu thì cũng không bị thiệt hại về tài sản, cho nên pháp luật cho phép chủ sở hữu kiện đòi lại tài sản.
Ngược lại, nếu người thứ ba có tài sản thông qua giao địch có đền bù thì không phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và chủ sở hữu có quyền kiện đòi người chiếm hữu bồi thường thiệt hại. Qui định này dựa trên các căn cứ pháp lý và thực tiễn sau :
Về mặt pháp lý, khi chủ sở hữu chuyển dịch tài sản cho người thứ hai, thì giữa chủ sở hữu và người thứ hai có một giao dich, cho nên chủ sở hữu cần phải đề phòng những trường hợp người được chuyển giao tài sản không trả lại tài sản, do đó phải áp dụng các biện pháp bảo đảm mà pháp luật cho phép nhằm khống chế hành vi vi phạm của người được chuyển giao tài sản.
Xét về mặt thực tiễn, người thứ ba có nhu cầu sử dụng tài sản, cho nên họ đã mua hoăc đổi tài sản để có tài sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoặc nhu cầu kinh doanh. Khi tham gia giao dịch họ không biết tài sản sản đó là của người thứ ba, cho nên hành vi của họ là ngay tình. Vì thế pháp luật cần phải bảo vệ lợi ích của người ngay tình, cho phép người thứ ba xác lập quyền sở hữu với tài sản đó. Mặt khác pháp luật cũng bảo vệ quyền của ch��� sở hữu, cho phép chủ sở hữu yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp bồi thường giá trị tài sản.
Thứ hai là vật rời khỏi chủ sở hữu ngoài ý chí (không chuyển cho vật người khác) thì người chiếm hữu vật phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nội dung này giống với Điều 284 BLDS 1995.
Nội dung Điều 258 BLDS gôm hai vấn đè cơ bản là: thứ nhất, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình. Những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu khi chuyển giao cho người khác cần phải sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì thế nếu người chủ sở hữu không chuyển quyền sở hữu, thì người ngay tình không thể có quyền sở hữu đối với tài sản.
Thứ hai, nếu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu được chuyển giao cho người khác thông qua việc bán đấu giá hoặc giao dịch với người thưa ba mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu và sau đó bản án hoặc quyết định đó bị huỷ, thì người mua có quyền sở hữu đối với tài sản. Chủ sở hữu kiện người gây thiệt hại cho mình phải bồi thường giá trị tài sản. Trường hợp này, người mua hoàn toàn không có lỗi trong việc mua bán. Đây là lỗi của Toà án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu vì thế, Toà án hoặc cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 619 hoặc Điều 620 BLDS.
Điều 257 và 258 BLDS 2005 đã bảo vệ quyền của chủ sở hữu và lợi ích người chiếm hữu ngay tình. Mặc khác, qui trách nhiệm dân sự cho cơ quan nhà nước và Toà án nếu cán bộ công chức hoặc Thẩm phán do trình độ chuyên môn yếu hoặc do hành vi cố ý công nhận quyền sở hữu cho cá nhân, tổ chức trái pháp luật.
Trong cuộc sống, cơ sở để con người tồn tại và xã hội phát triển là tài sản, vì thế pháp luật cần phải bảo hộ quyền sở hữu tài sản cho cá nhân và tổ chức.Tuy nhiên mỗi chế độ xã hội khác nhau thì phuơng thức và nội dung bảo hộ khác nhau.
Bộ luật dân sự của Liên bang Nga 1994, Chương 20 qui định bảo vệ quyền sở hữu và các quyền tài sản khác.
Điều 301 qui định về yêu cầu đòi tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình. Theo nội dung điều luật này, chủ sở hữu có quyền đòi tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đây là qui định mang tính nguyên tắc bảo hộ quyền của chủ sở hữu khi người khác chiếm giữ tài sản của mình một cách bất hợp pháp không ngay tình.
Điều 302 qui định về yêu cầu đòi tài sản từ người chiếm hữu không căn cứ nhưng ngay tình.
Khoản 1 qui định là chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp tài sản bị chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu chuyển cho đã đánh rơi hoặc bị mất trộm hoặc người khác chiếm hữu bằng các phương thức khác trái với ý chí của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
Qui này tương tư như điều 257 BLDS Viêt Nam 2005 trong các trường hợp vật rời khỏi chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu đòi lại tài sản.
Khoản 2 Điều 302 qui định người chiếm hữu ngay tình thông qua giao dịch không đền bù có tài sản thì phải trả lại cho chủ sở hữu tài sản. Như vậy có thể hiểu ngược lại là người ngay tình thông qua hợp đồng có đền bù thì không phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Khoản 3 qui định, đối với tiền và giấy tờ có giá người cầm giữ không được yêu cầu nguời chiêm hữu ngay tình trả lại.
Qua nội dung của hai điều luật trên cho thấy những điểm tương đồng và khác biêt giữa hai bộ luật dân sư của Việt Nam và Liên bang Nga như sau.
Về nguyên tắc luật bảo vệ quyền của người chủ sở hữu khi vật bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình và bảo vệ lợi ích của người ngay tình có tài sản thông qua giao dịch có đền bù thì được quyền sở hữu đối với tài sản.
Điểm khác nhau giữa hai bộ luật này là: Bộ luật dân sự Liên Bang Nga không phân biệt việc đòi lại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Vì vậy theo tinh thần của Điều 302 BLDS Liên bang Nga, thì người ngay tình thông qua giao dịch có đền bù, không phải trả lại tài sản trong tất cả các trường hợp. Qui định như vậy là phù hợp với thực tế, vì người ngay tình không có lỗi trong việc chiếm hữu tài sản, cho nên cần phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ. Nếu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà việc chuyển giao có giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp đúng thẩm quyền thì người ngay tình cũng cần được bảo hộ.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 302 BLDS Liên bang Nga qui định về chiếm hữu ngay tình đối với tiền hoặc giấy tờ có giá thì người ngay tình không phải lại cho người có các giấy tờ đó và không phân biệt về nguyên nhân, nguồn gốc chiếm hữu ngay tình. Đây là một qui định riêng đối với tài sản là tiền và giấy tờ có giá, trên thực tế người chiếm hữu ngay tình không thể biết được nguồn gốc hợp pháp của tiền và giấy tờ có giá, cho nên để đảm bảo cho các giao lưu dân sự phát triển ổn định, pháp luật công nhận quyền sở hữu của người ngay tình.
Trong Bộ luật dân sự của Cộng hoà Pháp quyền sở hữu được qui đinh tại Quyển thứ hai, gồm bốn Thiên. Tuy nhiên, trong Quyền hai không qui định về bảo vệ quyền sở hữu. Phương thức bảo vệ quyền sở hữu được qui định tại Thiên thứ hai mươi- Thời hiệu và chiếm hữu.
Điều 2229 qui định để hưởng thời hiệu chiếm hữu phải liên tục không bị gián đoạn, phải yên ổn, công khai, minh bạch và được thực hiện bởi danh nghĩa là chủ sở hữu.
Điều 2229 không qui định về chiếm hữu ngay tình, tuy nhiên người chiếm hữu phải chiếm hữu bởi danh nghĩa chủ sở hữu, trên thực tế được coi như chủ sở hữu. Qui định này giống như việc chiếm hữu ngay tình trong luật dân sự Việt Nam.
Điều 2265 qui định người ngay tình xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản đã mua là 10 năm nếu người chủ sở cư trú trong địa phân quản hạt có bất động sản, 25 năm nếu chủ sở hữu cư trú ngoài quản hạt. Như vậy, nếu một người mua bán bất động sản ngay tình thì được xác lập quyền sở hữu đối với vật mua, cho nên chủ sở hữu không đòi lại vật được. Ngược lại, người mua chưa đủ thời hạn xác lập quyền sở hữu phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Điều luật cũng không qui định việc mua bán theo phương thức nào (đấu giá..), bỏi vì đây là trường hợp xác lập quyền sở hữu đặc biệt. Thông thường thời hiệu khởi kiện đối với tài sản hoặc quyền nhân thân đều 30 năm, tuy nhiên trường hợp mua bán ngay tình bất động sản là 10 năm, thì xác lập quyền sở hữu. Qui định này hợp lý hơn so với Điều 258 BLDS Việt Nam.
Điều 2279 qui định người đánh mất hoặc đã bị lấy trộm vật thì có thể đòi lại từ người đang giữ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày mất vật, người giữ vật có thể kiện đòi người đã chuyển nhượng vật cho mình. Trường hợp này người đang thực tế giữ vật là ngay tình, cho nên theo thời hiều xác lập quyền sở hữu trong trường hợp đặc biệt này là 3 năm. Do vậy trong thời hạn 3 năm kể từ ngày mất vật chủ sở hữu có quyền đòi lại vật từ người chiếm hữu ngay tình và người ngay tình có quyền đòi tiền mua từ người bán cho mình.
Điều 2280 qui định, người đang giữ vật của người khác bị mất mà đã mua vật đó ở chợ, hội chợ, bán đấu giá, thì chủ sở hữu chỉ có quyền lấy lại vật bằng cách trả cho người giữ vật số tiền đã mua. Ngoài ra, điều luật này còn qui định, người cho thuê muốn đòi lại động sản cho thuê đã bị chuyển dich, muốn đòi lại vật thì phải trả cho người có vật số tiền mua vật đó.
Theo qui định của Điều 2280 nếu người ngay tình mua thông qua bán đấu giá, tại hội chợ chưa được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì chủ sở hữu chỉ có thể lấy lại tài sản bằng phương thức mua lại tài sản đó. Qui định này phù hợp với thực tế, bởi lẽ người mua qua đấu giá, hoặc trong hội chợ thì không buộc phải biết nguồn gốc tài sản có hợp pháp hay không, vì đó là cuộc mua bán công khai nơi công cộng mà ai cũng có thể mua và bán, vì thế để đảm bảo cho các giao lưu dân sự thông thoáng, ổn định, thì cần phải bảo vệ người mua ngay tình.
Bảo vệ quyền sở hữu là trách nhiệm của các nhà nước đối với công dân và các tổ chức, tuy nhiên mỗi quốc gia có phương thức bảo vệ riêng. Mỗi phương thức đó đều tồn tại điểm manh và yếu và nếu kết hợp được các phương thức trên thì quyền sở hữu sẽ được bảo vệ tốt nhát.
——————————————————————
CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ – KHOA LUẬT DÂN SỰ – ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007
CÁC BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN:
1. TS. Trần Thị Huệ. Quyền sở hữu và quyền năng của chủ sở hữu.
2. ThS. Vương Thanh Thúy. Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. TS. Nguyễn Minh Tuấn. Qui định về kiện đòi lại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam và một số nước trên thế giới.
4. TS . Phùng Trung Tập. Kiện đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.
5. ThS. Nguyễn Như Quỳnh. Kiện đòi lại tài sản làđộng sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình.
6. TS. Nguyễn Văn Cường. Một số vấn đề thực tiễn trong việc kiện đòi nhà, đất do người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật tại Tòa án nhân dân.
7. ThS. Vũ Thị Hồng Yến. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi chủ sở hữu kiện đòi lại tài sản.
8. ThS. Nguyễn Thị Tuyết. Bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự – những ưu điểm và hạn chế so với các phương thức khác.
9. ThS. Vũ Thị Hải Yến. Tự bảo vệ quyền sở hữu – Nhưng ưu điểm và hạn chế so với các biện pháp khác
10. ThS. Trần Kim Chi. Thực trạng về biện pháp dân sự bảo vệ quyền sở hữu.
11. ThS. Bùi Thị Huyền. Một số vấn đề về thủ tục tố tụng dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu tài sản tại Tòa án nhân dân.
TS. NGUYỄN MINH TUẤN – KHOA LUẬT DÂN SỰ ĐHL HÀ NỘI
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Cập nhật bởi anhdv352 ngày 03/06/2013 03:58:51 CH
Đường chông gai chờ ngày mai ta bước tiếp!