MỎI CỔ CHỜ QUY ĐỊNH VỀ PHÍ GIÁM ĐỊNH!
Việc thu phí, lệ phí với giám định tư pháp, nhất là giám định ngoài tố tụng đã được rất nhiều ý kiến đề cập trong các hội nghị và diễn đàn nhưng việc quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thì rất chi là...từ từ!
Vấn đề giám định ngoài tố tụng: nhu cầu xã hội có, pháp luật không cấm mà còn cho phép; khả năng các Phòng Kỹ thuật hình sự đáp ứng được, nhất là tận dụng năng lực, kinh nghiệm, thời gian rỗi của các GĐV và phương tiện. Song đã làm phải có tốn kém về vật chất và thời gian nên phải có thu “khoản tiền chi trả cho thù lao giám định tư pháp và các chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện giám định”, tức là thu phí giám định để “tái sản xuất” . Nhưng mức thu, chi, sử dụng phí... phải có quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện như hiện nay chắc chắn có Thủ trưởng đơn vị giám định tư pháp sẽ bị kỷ luật nếu được thanh tra, kiểm tra ngó tới.
Điểm lại quá trình xây dựng văn bản liên quan đến lĩnh vực này, ta thấy:
1. Ngay từ năm 2002 Chính phủ đã có quy định này. Điểm 2 mục XII phần A Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí, quy định: “Phí giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính”.
2. Pháp lệnh số 24/2004/PL-UBTVQH11 về Giám định tư pháp giành hẳn 1 Chương (Chương V) quy định về vấn đề này và ghi rõ “Căn cứ vào pháp luật về phí và lệ phí, Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp”.
3. Ngày 09 tháng 02 năm 2009, Bộ Tài chính, với lý do nhằm “tránh có 2 khoản thu về cùng một vấn đề (vừa thu phí giám định tư pháp, vừa thu chi phí giám định đối với tổ chức, cá nhân có yêu cầu, trưng cầu giám định)”, đã có Công văn số: 1461/BTC-CST “đề nghị không ban hành phí giám định tư pháp, mà thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp”.
Như thế Phí, Lệ phí chưa được thu; chế độ bồi dưỡng độc hại đã có nhưng chưa được hưởng đầy đủ song nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện ngay. Bởi ngày 02/8/2006 Chính phủ có Nghị định số 76/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, vì trong đó có quy định về Hành vi vi phạm của người giám định tư pháp với mức phạt thấp nhất 200.000 đ, cao nhất tới 3 triệu đồng) .… Quyền lợi đâu chưa thấy đã thấy nguy cơ bị phạt ngay trước mắt!.
4. Sau đó, Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 03/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" tại điểm 1.6 mục II có yêu cầu:
“+ Các Bộ chủ quản chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng Đề án thu phí giám định trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Các Bộ chủ quản đề nghị Bộ Tài chính ban hành phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình.
+ Bộ Tài chính xem xét, ban hành quy định về phí giám định tư pháp theo đề nghị của các Bộ chủ quản theo thẩm quyền
- Thời gian thực hiện: năm 2010”.
5. Theo thẩm quyền, tới ngày 28 tháng 9 năm 2010 Bộ Tài chính mới có Công văn số: 12999/BTC-CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề nghị “chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án thu phí giám định tư pháp gửi Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành”.
6. Trong bối cảnh có những bức xúc mới, ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1958/CT-TTg về “một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và khoản 5 Chỉ thị quy định:
“a) Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành chủ quản khác khẩn trương xây dựng Đề án thu phí giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình để đề nghị Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền.
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành chủ quản khác trong việc xây dựng Đề án thu phí giám định tư pháp; ban hành Thông tư về phí giám định tư pháp trong lĩnh vực giám định theo đề nghị của Bộ, ngành chủ quản….
Việc xây dựng và ban hành Thông tư về phí giám định tư pháp quy định tại mục này phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010.”
7. Nhưng các ngành chủ quản của cơ quan giám định chậm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, đề nghị phối hợp của Bộ Tài chính và đề xuất của cơ sở . Vì vậy đến ngày 04 tháng 11 năm 2010 Bộ Tài chính lại có Công văn số: 14902/BTC-CST tiếp tục “đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ sớm xây đề án thu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình và gửi về Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành”.
8. Từ đó các bộ mới rục rịch cho ý kiến: Bộ Y tế tại công văn số 2331/BYT-KHTC ngày 29/4/2011; Bộ Quốc phòng tại công văn số 1532/BQP-PC ngày 22/6/2011; Bộ Công an tại công văn số 1853-V19 ngày 29/6/2011!
9. Ngày 12 tháng 8 năm 2011 Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký Thông tư số 114/2011/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y.
10. Còn 10 chuyên ngành thuộc lĩnh vực giám định KTHS vẫn chưa có và chưa biết bao giờ sẽ có bởi lĩnh vực này chỉ có ở Công an và một phần bên Quốc phòng!
Như vậy cấp cao (Thủ tướng Chính phủ) và ngành quản lý nhà nước về chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đâu có thiếu quan tâm hay cản trở gì. Chính các ngành quản lý cơ quan giám định chậm “nghiên cứu, xây dựng Đề án thu phí giám định trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình” để “đề nghị Bộ Tài chính ban hành phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình”.
Đặc biệt lực lượng Công an, nơi quản lý giám định Pháp y và 10 chuyên ngành giám định Kỹ thuật hình sự, những lĩnh vực giám định hàng ngày, chiếm phần lớn các yêu cầu giám định trên cả lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính. Đồng thời trong Công an có cả cơ quan trưng cầu giám định (trả phí giám định) và cơ quan giám định (thu phí giám định) lại là ngành trưng cầu và thực hiện giám định nhiều, thường xuyên nhất. Do vậy văn bản quy định về phí giám định cần thiết hơn bất cứ Bộ, ngành nào. Đáng tiếc, thực tế chưa được như mong muốn gây khó khăn cho cơ sở.
Không biết trách nhiệm này thuộc về ai? Nhưng hậu quả là sự nghiệp giám định khó có cơ tiến lên, người có nhu cầu chưa biết bấu víu vào đâu và người làm giám định phải chịu thiệt!
Lương Đức Mến, Lào Cai, tháng 8/2011-