Con người ngày càng thông minh và khéo léo, ngày càng xuất hiện nhiều những món ăn mới lạ, đặc trưng mà cả thế giới phải trầm trồ. Các thương hiệu ẩm thực như The Coffee House, Urban Station… đã thu hút nhiều người trẻ đầu tư nghiên cứu để cho ra đời các công thức đặc biệt và hứa hẹn thương mại hóa thành công trong tương lai. Song, các công thức này lại dễ dàng bị sao chép hay thậm chí đánh cắp. Vậy cơ chế bảo hộ đối với các loại công thức trong lĩnh vực ẩm thực được pháp luật quy định như thế nào?
Thế giới đã và đang nghiêng mình trước công thức chế tạo thức uống hàng trăm năm của Tập đoàn Coca Cola, bởi nó tuyệt mật và được giữ gìn cẩn trọng nhất trên thế giới, đã làm nên một nền văn hóa Hoa Kỳ, trở thành một biểu tượng vượt thời gian và thách thức thị trường. Ngành ẩm thực còn rất nhiều công thức tuyệt vời như thế, đã tạo nên các hương vị của nhiều loại đồ uống, thực phẩm.
Ở Việt Nam, đã có những tranh chấp liên quan đến công thức nấu rượu, pha chế đồ uống. Nhiều khởi nghiệp gia “than phiền” vì bị đồng sự lấy cắp công thức pha chế để khởi nghiệp dự án riêng. Trong kinh doanh, ai nắm được bí mật người đó có lợi thế. Vậy lời giải nào cho chủ sở hữu công thức trong ngành ẩm thực?
Thông thường, một công thức nấu ăn sẽ chứa đựng các nguyên liệu, phụ liệu từ tự nhiên hoặc nhân tạo và được đong đếm theo một số lượng, liều lượng nhất định kết hợp với kỹ thuật pha chế, nấu nướn g để đạt đến vị đặc trưng của món ăn, thức uống đó. Vì tính phức tạp như vậy nên khó xác định công thức pha chế hay nấu ăn thuộc đối tượng nào của quyền sở hữu trí tuệ. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, công thức nấu ăn cũng khó được phân định là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp. Song, không phải khó phân định là không có cơ chế bảo hộ. Nếu công thức ngành ẩm thực đáp ứng được các điều kiện thỏa mãn là đối tượng của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp thì hoàn toàn có thể được bảo hộ.
Cơ chế bảo hộ
– Cách thức thông thường và tối ưu nhất là giữ bí mật để được bảo hộ dưới đối tượng “bí mật kinh doanh” thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Chẳng hạn như hãng đồ ăn nhanh KFC (Mỹ) đã giữ kín công thức món gà chiên giòn, hãng đồ uống Coca-Cola giữ bí mật công thức pha chế loại nước uống khiến hàng triệu người yêu thích. Để được bảo hộ dưới dạng “bí mật kinh doanh”, chủ sở hữu phải chứng minh có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh đó và thực hiện việc bảo mật. Chủ sở hữu sẽ không phải mất thời gian, công sức cũng như chi phí để tiến hành thủ tục xác lập quyền tại cơ quan có thẩm quyền. Khi bí mật này bị lộ ra, đồng nghĩa với việc không đáp ứng điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh và pháp luật sẽ không bảo hộ.
– Cách thức thứ hai là có thể đăng ký dưới dạng sáng chế. Ưu điểm là có thể bộc lộ công thức mà không bị bên thứ ba lấy cắp cũng như dễ dàng chuyển giao quyền sử dụng đối với công thức. Song, sáng chế là một đối tượng đòi hỏi cao ở yêu cầu bảo hộ, phải đảm bảo có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Hơn nữa, tính mới được yêu cầu là mới trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi đó, lĩnh vực ẩm thực là lĩnh vực lâu đời và tồn tại nhiều bí quyết nấu ăn, pha chế đã được công khai. Do vậy, để đạt được khả năng bảo hộ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời điểm nộp đơn, các bản mô tả, cũng như làm rõ được đó là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, phương pháp.
– Cách thức thứ ba là đăng ký dưới hình thức bản quyền tác giả dưới dạng tác phẩm. Chủ sở hữu có thể viết ra, mô tả ra trình tự cũng như toàn bộ các phương pháp, quy trình để làm nổi bật công thức ngành ẩm thực. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức này không có nhiều ý nghĩa cũng như lợi ích khi tiến hành kinh doanh. Bởi lẽ, công thức sẽ dễ dàng bị bộc lộ trong quá trình bảo hộ. Mặt khác, quyền tác giả không bảo vệ được chủ sở hữu trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
Công thức là một trong những thành tố quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Một công thức tạo ra hương vị đặc trưng thu hút người tiêu dùng không những tạo được lợi thế trong kinh doanh, mà còn là chìa khóa để đưa danh tiếng, thương hiệu của chủ sở hữu lên một tầm vóc mới. Vì vậy, các doanh gia, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Các đầu bếp hoặc những bartender hoàn toàn có thể trở thành chủ sở hữu các công thức do mình tự pha chế và bán lại cho người khác như một cách thương mại hóa
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng việc bảo hộ bản quyền ẩm thực khó như hái sao trên trời. Cái khó trong vấn đề này chính là việc chứng minh tính mới, tính khác biệt của món ăn đó với những món ăn còn lại là điều không đơn giản, nhất là khi đầu bếp có thể mượn ý tưởng từ nguyên tác.