Ai là người bị kiện trong vụ trả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Chủ đề   RSS   
  • #555920 28/08/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Ai là người bị kiện trong vụ trả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

     

    TRƯƠNG THỊ DIỄM MY (Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông) - Việc xác định người bị kiện rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định người bị kiện là UBND cấp huyện hay Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) khi Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ trả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) lần đầu của cá nhân.

    Ví dụ: Ông A nộp hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ lần đầu đến Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện X, tỉnh Y. Sau khi xem xét hồ sơ của ông A, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện X ban hành thông báo trả lại hồ sơ cho ông A với lý do diện tích đất ông A xin cấp GCN QSDĐ nằm trong diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà chung cư cho người có thu nhập thấp của UBND huyện X. Ông A khởi kiện thông báo này đến TAND tỉnh Y. Trong trường hợp này, để xác định người bị kiện là ai thì có hai quan điểm:

    Quan điểm thứ nhất cho rằng, xác định người bị kiện là Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Y vì thông báo trả lại hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ lần đầu của ông A do Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện X, tỉnh Y ban hành.

    Quan điểm thứ hai cho rằng, xác định người bị kiện là UBND huyện X vì căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thì thẩm quyền cấp GCN QSDĐ lần đầu cho cá nhân là thuộc UBND cấp huyện, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện X trong trường hợp này chỉ là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ban đầu.

    Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng ĐKĐĐ thì căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai có thể chia thành hai nhóm cơ bản:

    Thứ nhất, nhóm các nhiệm vụ chuyên biệt, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số quy định của Luật Đất đai (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) thì: “Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;”

    Thứ hai, nhóm các nhiệm vụ trong quy trình cấp CGN QSDĐ (cụ thể trong bài viết này đề cập đến đối với cá nhân xin cấp lần đầu), theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP: “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai” và điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất: “3. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau: d) Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;”

    Còn về thẩm quyền cấp GCN QSDĐ cho cá nhân, theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai 2013: “2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.”

    Từ các quy định pháp luật viện dẫn, có thể thấy rằng việc thông báo trả hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ lần đầu của ông A do Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện X ban hành là nằm trong quy trình cấp GCN QSDĐ cho cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện X. Do đó, xác định người bị kiện trong vụ án hành chính là UBND huyện X là phù hợp.

    Song, thực tế nhiều Tòa án vẫn căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, xác định Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ không có tư cách pháp nhân, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng ĐKĐĐ; có con dấu riêng nhưng là đơn vị hạch toán phụ thuộc, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng ĐKĐĐ trên địa giới hành chính được giao quản lý. Dẫn đến xác định người bị kiện là Văn phòng ĐKĐĐ mà không làm rõ khi thực hiện nhiệm vụ được giao thì Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện nhóm nhiệm vụ nào như đã nêu trên để xác định đúng người bị kiện trong vụ án hành chính.

    Tuy nhiên để chặt chẽ hơn trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì quan điểm của tác giả, Tòa án cần hướng dẫn ông A sửa đổi đơn khởi kiện, xác định người bị kiện là UBND huyện X và đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính không cấp GCN QSDĐ cho ông A của UBND huyện X. Việc xác định người bị kiện và đối tượng khởi kiện như thế này đảm bảo giải quyết vụ án hành chính đúng mục đích mà người khởi kiện hướng đến (mục đích được cấp GCN QSDĐ), giải quyết nhanh chóng, triệt để (xác định được hành vi hành chính này có trái pháp luật hay không), tránh mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền khi “buộc” họ phải bỏ công sức, tiền bạc và thời gian đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan.

    Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi cùng quý bạn đọc.

    Theo Tạp chí tòa án

     
    2482 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận