Với trường hợp của bạn về chuyển nhượng vốn góp, tôi tạm tư vấn như sau:
Việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH bạn làthành viên công ty tiến hành chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần góp vốn của mình trong công ty cho thành viên khác hoặc cá nhân, tổ chức là thành viên hoặc không phải thành viên công ty. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ này sẽ được trị giá bằng tiền hoặc các giá trị vật chất khác theo thỏa thuận của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Nếu thành viên có yêu cầu chuyển nhượng vốn cho người khác thì phải tuân theo các quy định về trình tự tại Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014.
1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
2. Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
3. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Theo đó, thành viên phải chào bán cho thành viên trong công ty trước với cùng một điều kiện và với tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ. Nếu các thành viên này không mua hoặc không mua hết trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán thì mới được chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty. Tuy nhiên có hai trường hợp mà không bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc khi chuyển nhượng là:
- Trường hợp thành viên muốn sử dụng phần vốn góp để trả nợ, thành viên có thể sử dụng phần vốn góp của mình để trả trực tiếp một nghĩa vụ nợ nào đó, hoặc sử dụng như một loại tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ nợ khi đến hạn. Như vậy về mặt bản chất đây cũng là một hành vi chuyển nhượng vốn. Trong trường hợp chuyển nhượng đặc biệt này, người nhận thanh toán có thể trở thành thàh viên nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Nếu người nhận thanh toán không muốn trở thành thành viên nữa hoặc không được Hội đồng thành viên chấp thuận, thì người này mới phải chào bán phần vốn góp theo quy định của Điều 52, 53Luật doanh nghiệp 2014.
- Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp, không thanh toán được phần vốn góp mua lại hoặc không thỏa thuận được về giá mua lại phần vốn góp như quy định tại khoản 2 Điều 52 thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Thủ tục tiến hành chuyển nhượng phần vốn góp:
Cần chuẩn bị các tài liệu bao gồm:
– Hồ sơ thay đổi (chuyển nhượng vốn góp) bao gồm: Thông báo, biên bản họp, quyết định về việc thay đổi.
– Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp có chữ ký các bên.
– Thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định thay đổi Công ty gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh. Nội dung của Giấy thông báo cụ thể như sau:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty;
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính đối với tổ chức hoặc họ, tên, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại điều 18 – Nghị định này đối với cá nhân; phần vốn góp của người chuyển nhượng và của người nhận chuyển nhượng;
+ Phần vốn góp của các thành viên sau khi chuyển nhượng;
+ Thời điểm thực hiện chuyển nhượng;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của công ty.
Trên đây là ý kiến tư vấn của tôi, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn; hoặc cần tư vấn thêm; hoặc cần sử dụng dịch vụ luật sư thì bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với tôi.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.