Tết ở Việt Nam là ngày của đoàn tụ gia đình. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn chưa thấy có gì thay đổi trong tâm trạng nôn nao đón Tết. Và trong những lo toan cho một cái Tết là sự đoàn tụ với ông bà, bố mẹ, anh em, con cháu trong một gia đình, rộng ra là cả một dòng họ. Thế nhưng, sau cái bề ngoài gần như không thay đổi ấy, có lịch sử dài hàng ngàn năm, lại có một thay đổi không thể không gây sửng sốt, đau xót cho bất cứ ai, trong nhiều năm gần đây - đó là nguy cơ tan vỡ của đơn vị gia đình truyền thống bởi những tác động mới của ngoại cảnh, khi trong đời sống là sự suy thoái của đạo đức.
Không ngày nào trên các mặt báo và mọi trang mạng mà không có hàng chục vụ đâm chém, giết người. Như vậy là cái ác đã len sâu vào mỗi đơn vị gia đình, đã thâm nhập những quan hệ thân cận nhất. Có nghĩa là khi chữ hiếu - hiếu với ông bà và cha mẹ - đã bị một đòn tử thương thì sự rã rời của mọi cộng đồng khác trong xã hội đã trở nên rất nghiêm trọng.
Chữ hiếu chỉ tồn tại trong quan hệ gia đình. Trung và hiếu, đó là 2 phẩm chất cơ bản làm nên sự bình ổn của xã hội phong kiến trong hàng ngàn năm nhưng không phải đã hết ý nghĩa đối với xã hội hôm nay và cả mai sau. Bởi tôi nghĩ nhân loại dù có văn minh đến đâu, con người có thay đổi đến đâu vẫn không thể cắt rời với cuống nhau gia đình; nó là hạt nhân, là gốc rễ cho sự hình thành và phát triển một nhân cách xã hội.
Trong 2 chữ trung và hiếu thì chữ trung có thể dịch chuyển, còn chữ hiếu là bất biến bởi không ai thay được cha mẹ, ông bà. Với chữ hiếu, đó là sự xác định mối gắn kết đầu tiên và cơ bản của con người, mối gắn kết dòng dõi - huyết thống (co-descendance). Từ gắn kết này mà có gia đình, gia tộc, dòng họ; nó là hạt nhân cơ bản cho mọi gắn kết xã hội; có trước mọi gắn kết khác như gắn kết bởi nơi cư trú (co-résidence) để có làng và nước; và gắn kết về lợi ích (co-intérêt) bởi sự hình thành giai cấp trong phát triển xã hội.
Gia đình trong những quy ước cho sự gắn kết, thành văn hoặc bất thành văn, đó là gia huấn, gia giáo, gia đạo. Gia đình, khi mọi nền nếp, mọi quy ước đã được tuân thủ qua rất nhiều đời và gây được tiếng vang, tiếng thơm trong công luận thì đó là gia phong. Đến được với gia phong, đó là sự kết tinh những truyền thống ưu tú của một dòng họ qua rất nhiều đời; và với sức tỏa rộng của nó mà làm nên những nền tảng tinh thần, văn hóa, đạo đức cho xã hội.
Gia phong - nếp nhà, đó là một cách nói gọn những truyền thống tốt đẹp của một gia hệ. Từ rất xưa, trong tồn tại của cộng đồng dân cư Việt đã xuất hiện những nhà, những gia hệ gắn với tên tuổi các danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc, được người đời nhìn vào một cách ngưỡng mộ và đem lại vinh dự, sự hãnh diện không chỉ cho các thành viên là con cháu nhiều đời mà còn cho tất cả những ai là… đồng hương, trước hết là trong các đơn vị làng, xã hoặc phủ, huyện. Họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai; họ Phan Huy ở Sài Sơn; họ Trần ở Nam Định; họ Vũ, Võ ở Hải Dương; họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân; họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Can Lộc; họ Hoàng Xuân ở Yên Hồ - Đức Thọ; họ Hồ ở Quỳnh Lưu; họ Cao Xuân ở Diễn Châu; họ Đặng ở Thanh Chương; họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc; họ Nguyễn Khắc và Hà Huy ở Hương Sơn...
Những dòng họ ấy từng làm nên gương mặt văn hóa cho cả một vùng. Trong các mối liên kết giữa các dòng họ qua kênh dẫn giáo dục là quan hệ thầy trò hoặc kênh dẫn hôn nhân - dựng vợ gả chồng, gương mặt văn hóa của một vùng và rộng ra là cả một khu vực được xác định và góp phần làm nên gương mặt chung của văn hóa dân tộc.
Hơn lúc nào hết, bây giờ đúng là lúc rất cần được chấn hưng từ các đơn vị gia đình. Hãy từ gia đình mà tái dựng nên sự bình ổn, bình yên cho xã hội. Và phải lấy làm mừng, trong nhiều năm gần đây, sự khôi phục lại nền nếp thờ phụng tổ tiên, hoạt động của các dòng họ, lập các hội đồng hương, gây quỹ động viên con em học tập, khuyến khích người giàu đóng góp cho quê hương..., tất cả chính là một phản ứng tự vệ chính đáng và cần thiết để khơi lại những nguồn mạch trong trẻo của đạo lý vốn ẩn chứa rất sâu trong tâm thức con người.
Sau các hội, lễ lớn nhỏ chung cho cộng đồng là giỗ, Tết riêng cho từng gia đình, từng dòng họ. Hội, lễ ồn ào, tốn kém với nhiều mục tiêu tốt xấu, hay dở lẫn lộn; còn giỗ chạp, Tết nhất là thành tâm, là tận hiến của những thành viên có chung nguồn cội. Một cái Tết vui là cái Tết con người được trở về với sự ấm áp của tình gia đình và quê hương; để sau những ngày bận rộn mà trở lại với nơi lập thân hoặc lập nghiệp, trong chu chuyển vĩnh hằng cácmối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, giữa quê hương và đất nước.
PHONG LÊ