Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó có một số điểm mới nổi bật về thử việc.
1. Có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động
Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019), người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Hiện hành, BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã lồng ghép nội dung thử việc vào hợp đồng lao động.
2. Bổ sung một số nội dung của hợp đồng thử việc
Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 BLLĐ 2019. Cụ thể:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
(Hiện hành, tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp).
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
(Hiện hành, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động).
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
(Hiện hành, mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác).
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
So hiện hành, thay vì dẫn chiếu đến quy định "Thời hạn của hợp đồng lao động" trong hợp đồng thử việc, thì BLLĐ 2019 quy định "thời gian thử việc" trong nội dung hợp đồng thử việc - nghe có vẻ hợp lý hơn.
3. Trường hợp không áp dụng thử việc đối với người lao động
Theo BLLĐ 2019, không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
(Hiện hành, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc).
4. Thời gian thử việc lên đến 06 tháng với nhiều công việc
Theo đó, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và không quá 180 ngày (06 tháng) đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Cụ thể, theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Còn theo khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, người quản lý doanh nghiệp bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.
5. Người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Thực tế, nội dung này được Luật hóa từ quy định tại Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!