Dưới đây là 05 điểm mới nổi bật của Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ 2012.
1.Sửa đổi quy định về người giao kết hợp đồng lao động
Thay vì quy định “chủ hộ gia đình” (điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 05), điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 148 sửa lại thành “Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chủ thể giao kết hợp đồng được mở rộng hơn.
Điểm e khoản 1 Điều 1 quy định chỉ trường hợp người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã (điểm a) và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật (điểm b) mới ủy quyền để giao kết hợp đồng.
2. Sửa đổi quy định về hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi
Theo đó Khoản 3 Điều 1 Nghị định 148 quy định khi người SDLĐ không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên “thỏa thuận” chấm dứt hợp đồng lao động thay vì hai bên “thực hiện” chấm dứt như trước đây (tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 05).
3. Bãi bỏ Khoản 5 Điều 14 Nghị định 05 về quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho NLĐ.
Thay vào đó là bổ sung Điều 14a quy định mới về thời hạn thanh toán quyền lợi của người SDLĐ và NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều 14a còn bổ sung trường hợp kéo dài thời gian thanh toán do“người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế”.
4. Sửa đổi trình tự xử lý kỷ luật lao động (tại Điều 30 Nghị định 05)
- Theo quy định mới tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 148, người sử dụng lao động phải phát hiện và lập biên bản hành vi vi phạm rồi mới thông báo để tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
- Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 123 của Bộ luật lao động, đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.
- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 123 của Bộ luật lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp. Quy định này mới so với Điều 30 Nghị định 05.
- Trường hợp một trong các thành phần quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 123 của Bộ luật lao động không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Thay vì quy định thông báo 03 lần mà không đến tham dự như trước đây.
- Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, thay vì chỉ gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động như quy định tại K5 Điều 30 Nghị định 05
5. Sửa đổi quy định về kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc (Khoản 13 Điều 1 Nghị định 148)
Theo đó quy định rõ “Người sử dụng lao động” áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Lý do không chính đáng cũng được dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 126 BLLĐ 2012.
Đồng thời chia 2 hành vi tự ý bỏ việc thành 2 điểm (a, b) riêng biệt.
Trên đây là những điểm mới nổi bật của Nghị định 148/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24/10/2018, có hiệu lực từ 15/12/2018. Như đã phân tích ở trên, Nghị định này có nhiều điểm thay đổi mà người lao động cần cập nhật để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cập nhật bởi DuTiepKhac ngày 26/10/2018 03:16:13 CH
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!