Yêu cầu không quan hệ vợ chồng
Trường hợp một người yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, lúc này phải xác định đây là vụ án dân sự hay việc dân sự để áp dụng trình tự tố tụng một cách chính xác?
1. Không có quy định pháp luật cụ thể để xác định đây là vụ án hay việc dân sự
Khoản 2 Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn
…
2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”
Điều 14, 15, 16 là các quy định giúp giải quyết nội dung vụ án, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là việc tuyên bố “không công nhận quan hệ vợ chồng” chỉ xuất hiện sau khi có đơn yêu cầu ly hôn.
Tiếp đó, xem qua Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Ở trường hợp này, Tòa chỉ xem xét “việc dân sự” khi cả vợ và chồng cùng yêu cầu ly hôn và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn (nếu chỉ có một bên yêu cầu thì giải quyết theo thủ tục yêu cầu ly hôn), còn yêu cầu "không công nhận quan hệ vợ chồng" thì không được nhắc tới.
Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chỉ ra 11 yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
3. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
6. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
7. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
8. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
9. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
11. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này có thể xác định yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là “các yêu cầu khác” hay không?
2. Bản chất và hệ quả pháp lý khi phân biệt vụ án dân sự và vụ việc dân sự
Về bản chất, "Việc dân sự" là việc riêng của cá nhân, tổ chức, không có nguyên đơn, bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết, từ yêu cầu của đương sự, Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ cho họ, tuy nhiên việc yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng chắc chắn có ảnh hưởng tới quan hệ hôn nhân của người còn lại.
Ngược lại, vụ án dân sự là việc kiện tụng giữa hai bên có tranh chấp, tòa sẽ xét xử và phân định quyền - nghĩa vụ rõ ràng.
Xuất phát từ bản chất này, thủ tục tố tụng và án phí của việc dân sự so với vụ án dân sự có khác biệt lớn.
Chẳng hạn, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu đối với việc dân sự là 01 tháng, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 366 BLTTD 2015). Trong khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự theo thủ tục thông thường có thể kéo dài tối đa là 6 tháng (Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015).
>>> Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự
Như vậy, phải xác định yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự hay việc dân sự? Mời bạn đọc đóng góp ý kiến.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 21/11/2020 05:01:28 CH