Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn trong hoạt động bảo vệ môi trường?

Chủ đề   RSS   
  • #605166 31/08/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn trong hoạt động bảo vệ môi trường?

    Chất thải rắn là gì? Yêu cầu về quản lý chất thải được quy định chung ra sao? Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn trong hoạt động bảo vệ môi trường được ghi nhận như thế nào?

    Chất thải rắn là gì?

    Theo quy định tại khoản 18 và khoản 19 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì:

    - Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

    - Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.

    Yêu cầu về quản lý chất thải?

    Yêu cầu chung trong hoạt động quản lý chất thải được ghi nhận tại Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nội dung sau đây:

    - Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như sau:

    +) Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

    +) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;

    +) Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chất thải công nghiệp sau khi phân định phải được quản lý theo quy định của pháp luật;

    +) Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất;

    +) Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp;

    +) Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

    - Yêu cầu chung về quản lý nước thải được quy định như sau:

    +) Nước thải phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận;

    +) Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước;

    +) Nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;

    +) Việc xả nước thải sau xử lý ra môi trường phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận.

    - Khí thải phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

    - Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải có trách nhiệm áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ, chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải; cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia khi chuyển giao chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp.

    - Nhà nước có chính sách xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

    - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại.

    (Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 24,27,34,37 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành)

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chất thải trên địa bàn; ban hành quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

    Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn?

    Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn trong hoạt động bảo vệ môi trường được ghi nhận tại Điều 56 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là “Nghị định 08/2022/NĐ-CP”). Cụ thể, việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và một số quy định cụ thể sau:

    - Sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn quy định tại Điều 138 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

    - Giảm thiểu chất thải rắn phát sinh thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm.

    - Việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau:

    +) Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ;

    +) Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng;

    +) Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ;

    +) Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật;

    +) Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật;

    +) Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

    - Khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.

    - Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện theo quy định của Nghị định 08/2022/NĐ-CP về thu gom, vận chuyển chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

     

     
    185 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận