Ý nghĩa của Quốc kỳ Việt Nam? Treo Quốc kỳ Việt Nam sao cho đúng?

Chủ đề   RSS   
  • #610362 08/04/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (253)
    Số điểm: 3296
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 55 lần


    Ý nghĩa của Quốc kỳ Việt Nam? Treo Quốc kỳ Việt Nam sao cho đúng?

    Ngày lễ 30/4 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sắp đến, nhân dân Việt Nam có truyền thống treo Quốc kỳ vào ngày lễ trọng đại này. Vậy, ý nghĩa của lá Quốc kỳ Việt Nam là gì? Có được treo Quốc kỳ Việt Nam quanh năm không?

    Ý nghĩa của Quốc Kỳ Việt Nam?

    Quốc kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn gọi là “Cờ đỏ sao vàng” hay “Cờ Tổ Quốc”, nguyên là quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được ra đời và xuất hiện lần đầu vào năm 1940, sau đó chính thức trở thành quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945. 

    Theo thông tin được đăng tải trên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941) tức Trương Xuân Trinh, còn gọi là thầy giáo Hoài hay Hai Bắc Kỳ, chính là người vẽ lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của nước CHXHCN Việt Nam - là một Xứ ủy viên Nam Kỳ, một chiến sĩ cộng sản, một người con ưu tú của quê hương Hà Nam.

    Nguyễn Hữu Tiến đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sỹ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 

    Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh lần đầu tiên được in trên trang nhật báo Tiến Lên, cùng với một bài thơ do chính Nguyễn Hữu Tiến sáng tác, kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc:

    “Việt Nam ta con Hồng cháu Lạc

    Dòng máu đỏ, giống da vàng, trải bốn ngàn năm oanh liệt.

    Thế mà chịu tám mươi năm rên xiết

    Dưới giày đinh đế quốc sài lang!

    Hỡi những ai máu đỏ da vàng

    Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

    Nền cờ thắm máu đào vì nước

    Sao vàng tươi da của giống nòi

    Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi

    Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh

    Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh

    Đoàn kết lại sức mình sẽ mạnh

    Quyết đánh tan phát xít Nhật - Tây

    Hỡi hai lăm triệu con yêu nước Việt Nam này

    Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh...”.

    Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí và xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp Ngày 23/11/1940.

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 05/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. 

    Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/3/1946 biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp 1946 ghi nhận từ ngày 09/11/1946: Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

    Ngày 02/7/1976, Quốc hội thống nhất sau hiệp thương Tổng tuyển cử xác định đây là Quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Điều 13 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013, Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

    Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam. 5 cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân (sỹ, nông, công, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng Tổ quốc.

    Như vậy, đến hiện nay Quốc kỳ chính thức nước CHXHCN Việt Nam là Quốc kỳ hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

    Có được treo Quốc kỳ Việt Nam quanh năm không?

    Căn cứ theo quy định tại Mục II Điều lệ 974/TTg có quy định về thời gian treo quốc kỳ cụ thể như sau:

    Treo riêng quốc kỳ của ta

    - Quốc kỳ được treo trong các phòng họp của các cấp chính quyền và các đoàn thể khi họp những buổi long trọng.

    - Quốc kỳ chỉ treo ngoài nhà những ngày tết và ngày lễ sau đây:

    + Tết Nguyên đán dương lịch,

    + Tết Nguyên đán âm lịch,

    + Kỷ niệm tổng tuyển cử: 6 tháng 1,

    + Ngày Quốc tế lao động: 1 tháng 5,

    + Kỷ niệm sinh nhật Chủ Tịch Hồ Chí Minh: 19 tháng 5,

    + Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám: 19 tháng 8,

    + Ngày Quốc Khánh: 2 tháng 9.

    Những trường hợp khác cần treo quốc kỳ thì sẽ có thông báo của Chính Phủ, Uỷ ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố.

    - Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi có tổ chức mít tinh, biểu tình, động viên quần chúng đông đảo làm các công việc tập thể, như: phát động quần chúng cải cách ruộng đất, phát động thi đua sản xuất, đắp đê, làm đường, chống hạn …

    Treo quốc kỳ của ta với quốc kỳ các nước khác

    - Quốc kỳ của ta cùng treo với quốc kỳ các nước khác trong những trường hợp sau đây:

    + Khi kỷ niệm Ngày Quốc Khánh một nước bạn hay một nước ngoài thì treo quốc kỳ của ta và quốc kỳ của nước đó tại phòng lễ,

    + Khi đón tiếp Đoàn đại biểu Chính Phủ một nước khác, thì treo quốc kỳ của ta và quốc kỳ nước đó ở nơi đón (nhà ga, bến tàu…) và nơi Đoàn ở.

    - Đón các Đoàn thể nhân dân các nước bạn hoặc nước ngoài thì không treo quốc kỳ.

    Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định những ngày bắt buộc treo quốc kỳ, không có quy định cấm những ngày thường không được treo. Theo đó Quốc kỳ Việt Nam vẫn có thể được treo vào ngày thường, tuy nhiên phải đảm bảo treo quốc kỳ đúng cách thức quy định, đúng chuẩn và trang trọng.

    Vậy 30/4 có bắt buộc treo Quốc kỳ Việt Nam không?

    Theo quy định về thời gian treo quốc kỳ đã trình bày phần trên, chỉ có ngày Quốc tế lao động 01/5 là bắt buộc phải treo Quốc kỳ ngoài nhà. Theo đó quy định cũng không đề cập đến việc bắt buộc treo Quốc kỳ vào ngày 30/4 hằng năm. 

    Tuy nhiên thông thường, những dịp này, các địa phương thường sẽ triển khai tuyên truyền cho người dân về việc treo cờ vào dịp lễ lớn 30/4 và 01/5 là treo liên tục 02 ngày.

    Như vậy, pháp luật không bắt buộc người dân phải treo Quốc kỳ vào dịp lễ 30/4 mà chỉ phải treo vào ngày Quốc tế lao động 01/5. Do đó, người dân cần theo dõi hướng dẫn, tuyên truyền treo cờ từ cơ quan địa phương để thực hiện đúng.

    Cách treo Quốc kỳ Việt Nam đúng quy định?

    Cách treo quốc kỳ được quy định tại Mục III Điều lệ 974/TTgHướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL như sau:

    1) Khi treo quốc kỳ thì phải chú ý đừng để ngược ngôi sao,

    2) Treo quốc kỳ ta với quốc kỳ một nước khác: người đứng đằng trước nhìn vào thì cờ của ta ở bên tay phải, cờ nước ngoài ở bên tay trái.

    3) Khi cần treo quốc kỳ của ta và quốc kỳ nhiều nước khác thì sẽ có chỉ thị riêng của Chính Phủ định rõ thứ tự xếp đặt các cờ.

    4) Khi treo cờ của ta và cờ các nước khác, thì các cờ phải làm đúng biểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.

    5) Treo cờ và ảnh: Treo ảnh Chủ Tịch Nước cùng với quốc kỳ thì để ảnh thấp hơn quốc kỳ, hoặc để ảnh trên nền quốc kỳ dưới ngôi sao. Ở các cơ quan, chỉ treo thường xuyên ảnh Chủ Tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Các trường hợp xử phạt khi treo Quốc kỳ không đúng cách thức quy định?

    Căn cứ Điều 30 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định như sau:

    - Đối với hành vi không treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá Việt Nam: xử phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

    - Đối với hành vi không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá nước ngoài: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 

    - Ngoài việc bị phạt tiền như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm sẽ buộc phải treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo đúng quy định.

    Đồng thời, theo Điều 45 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:

    Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao mà che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả.

    Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định xử phạt về cách thức treo cờ đối với hai trường hợp là tàu cá Việt Nam và quảng cáo ở các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao như trên.

    Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

     
    91 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận