Xyanua nguy hiểm ra sao, cần làm gì khi nhiễm phải xyanua?

Chủ đề   RSS   
  • #613807 08/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 464 lần


    Xyanua nguy hiểm ra sao, cần làm gì khi nhiễm phải xyanua?

    Mới đây, xã hội đã rúng động với vụ việc người dì đầu độc cháu mình bằng chất độc xyanua, đáng sợ hơn, người này khai nhận trước đó đã đầu độc chồng và 2 người cháu khác cũng bằng xyanua

    (1) Xyanua nguy hiểm ra sao?

    Xyanua là một chất độc khá “nổi tiếng” khi được nhắc đến khá nhiều trong các vụ án đầu độc, giết người. Đây là một chất độc kịch độc, khi đi vào cơ thể, nó được hấp thụ rất nhanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, hô hấp và thần kinh. Khi tiếp xúc hoặc hít phải xyanua với liều lượng từ 50 - 150mg, một người trưởng thành gần như sẽ tử vong sau vài phút hoặc vài giây ngắn ngủi.

    Cyanide hay xyanua là tên gọi của hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon liên kết ba với một nguyên tử nitơ. Khi ở thể khí, xyanua là một chất khí không màu, hoặc ở dạng tinh thể, được mô tả có mùi của “hạnh nhân đắng” nhưng không phải lúc nào nó cũng phát ra mùi này và cũng rất ít người có thể phát hiện ra mùi này.

    Độ nguy hiểm của chất độc này nằm ở việc chúng không quá khó để điều chế và tìm mua trên thị trường, bất chấp quy định của pháp luật. Hầu hết các vụ việc đầu độc bằng xyanua hung thủ đều khai báo là đã mua chất độc này ở bên ngoài thị trường, do đó, việc một người rắp tâm đầu độc người khác bằng xyanua gần như là rất khó phát hiện và đề phòng.

    Bên cạnh đó, xyanua còn được sản sinh ra bởi vi khuẩn, nấm và điều đáng lo ngại là chúng cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và thực vật mà chúng ta hay ăn thường ngày như hạnh nhân, rau chân vịt, măng tre, rễ cây sắn, bột sẵn hột tapioca, đậu lima,...

    (2) Dấu hiệu khi bị nhiễm độc xyanua

    Khi nhiễm phải xyanua, nạn nhân sẽ gặp một số các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, nhịp tim tăng nhanh, cơ thể bồn chồn và kiệt sức.

    Nạn nhân thường sẽ tử vong rất nhanh ngay sau đó do suy hô hấp, co giật. Việc tử vong nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào dạng của chất độc (khí hay tinh thể), thời gian và liều lượng đã tiếp xúc với chất độc.

    Sau khi bị ngộ độc xyanua, nạn nhân sẽ trải qua 3 giai đoạn như sau:

    1- Giai đoạn kích động: người bị nhiễm độc sẽ có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn.

    2- Giai đoạn hấp thụ: nạn nhân bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. 

    3- Giai đoạn nhiễm độc: nạn nhân dần rơi vào trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, bị trụy tim mạch, hạ oxy trong máu, dẫn đến tử vong.

    (3) Cần làm gì khi lỡ nhiễm phải xyanua?

    Như đã đề cập ở trên, xyanua còn được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và thực vật mà chúng ta thường hay dùng để nấu ăn mỗi ngày. 

    Do đó nếu sau khi ăn uống mà cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc, nạn nhân cần được đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các thao tác cấp cứu kịp thời, sau đó nên chuyển đến các bệnh viện có máy móc hiện đại hơn để lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… khi cần.

    Ngoài ra, khi sử dụng các thực phẩm có chứa chất độc xyanua như măng tươi, khoai mì, hạnh nhân,...người dân cần loại bỏ độc tố ra ngoài bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc không đậy nắp trước khi sử dụng và nên ăn một lượng vừa phải, tránh ăn một lượng lớn các món ăn này cùng một lúc để tránh bị ngộ độc.

    Trường hợp đang ở trong môi trường có nhiều khí xyanua, cần thoát ra khỏi khu vực đó nhanh nhất có thể. Nếu phát hiện nạn nhân bị nhiễm khí độc xyanua cần đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí và đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

    Trường hợp bị chất độc dính vào da hoặc mắt, hãy rửa ngay vùng da tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc rửa nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, nạn nhân cũng phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và có các phương án điều trị kịp thời, đúng cách.

    (4) Tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất độc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

    Theo đó, người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc nói chung và xyanua nói riêng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 311 Bộ Luật Hình sự 2015.

    Tại Điều 311 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    Ngoài ra, ở khung hình phạt tối đa, người vi phạm sẽ bị phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân khi làm chết 03 người trở lên, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác từ 61% trở lên,  gây thiệt hại về tài sản trên 1,5 tỷ đồng,...

    Mới đây, xã hội đã rúng động trước vụ việc nghi ngờ người dì đầu độc cháu ruột bằng xyanua chỉ vì mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng nói là người dì này đã khai nhận tại cơ quan công an rằng đã đầu độc chồng và hai người cháu khác trước đó cũng bằng xyanua để lấy tiền bảo hiểm và mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình. Vụ việc vẫn đang được cơ quan công an mở rộng điều tra.

    Có thể thấy, mặc dù đã có những quy định và hình phạt nghiêm khắc, vẫn có một số đối tượng coi thường pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật trong việc tàng trữ, mua bán chất độc trái phép và điều này vẫn đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống.

    Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức và cơ quan chức năng cần chung tay đẩy lùi tệ nạn tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất độc, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng.

     
    343 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận