Xúc phạm danh dự, nhân phẩm - Ảnh minh họa
Khi một người đã mất bị xúc phạm danh dự, họ sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào? Đối với tội xúc phạm người khác, nếu người bị xúc phạm đã chết rồi thì ai sẽ là người bị hại? Mời bạn đọc tham khảo bài viết và đóng góp ý kiến.
Một người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể đòi bồi thường dân sự, nếu mức độ của việc xúc phạm đó đủ nghiêm trọng, người xúc phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, đây vốn là những nội dung cơ bản của Pháp luật. Tuy nhiên, bài viết sẽ phân tích tình huống tren với một tình tiết đặc biệt: Người bị xúc phạm là người chết!
Thứ nhất, về Dân sự
Đối với Pháp luật dân sự, một người chết có Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo Điều 34 Bộ luật dân sự 2015:
“2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”
Điều này có nghĩa: vợ, chồng, con đã thành niên hoặc cha mẹ của người chết sẽ là những người có quyền yêu cầu thực hiện việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho một người đã không còn sống.
Nếu việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm đó gây thiệt hại cho người chết, chẳng hạn vì bị vu oan, bêu riếu mà việc làm ăn, kinh doanh của gia đình người chết bị ảnh hưởng hoặc vì những thông tin xấu mà người chết bị xã hội lên án, chỉ trích, … thì những người trực tiếp liên quan cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (Khoản 5 Điều 34)
Những khoản thiệt hại được bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Theo đó, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút có thể liên quan đến người chết hoặc những người bị ảnh hưởng trực tiếp do hành vi xúc phạm người chết gây ra.
Người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường những khoản nêu ở trên và thêm một khoản nữa để bù đắp, khoản tiền bù đắp này cao nhất bằng 10 lần mức lương cơ sở. (Điều 592 Bộ luật dân sự 2015)
Thứ hai, về Hình sự
Khi một hành vi vi phạm pháp luật được coi là Tội phạm và bị xử lý hình sự, nó đã xâm phạm không chỉ người bị hại mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đến pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chính vì vậy việc xử lý hành vi này vẫn sẽ được thực hiện kể cả khi bị hại còn sống hay đã chết.
Thực tế có rất nhiều tội phạm mà về nội dung, người bị hại chắc chắn là người chết, chẳng như các tội liên quan đến Giết người hoặc các tội có tình tiết định khung là làm chết người. Lúc này theo quy định tại Khoản 5 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
“5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.”
Có nghĩa việc một người đã mất sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quyền của họ trong tố tụng, vì lúc này người đại diện của họ sẽ thay họ thực hiện.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến mức chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Để xác định hành vi xúc phạm có đến mức nghiêm trọng hay không, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, làm rõ, thực hiện nghiệp vụ để đánh giá mức độ của hành vi. Lúc này ngoài những thiệt hại xác định được bằng con số, bằng vật chất thì dư luận xã hội cũng là một phương diện để xem xét.
Kết quả điều tra cuối cùng sẽ được Tòa án xét xử và định tội, nếu hành vi này còn có các tình tiết tăng nặng như phạm tội hai lần trở lên, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;… thì mức phạt có thể lên đến 2 năm tù.
Đặc biệt, nếu hành vi xâm phạm xảy ra làm người bị xúc phạm chết, mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
*Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm chưa được đến mức xử lý hình sự, người thực hiện vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo những phân tích trên, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đã chết hoàn toàn có thể bị xử lý tương tự như đối với người còn sống. Thậm chí, nếu hành vi xúc phạm kéo dài từ lúc người đó còn sống và là nguyên nhân khiến người đó chết thì còn bị trừng trị mạnh tay hơn.
Mời bạn đọc đóng góp ý kiến!