Không chỉ dạo gần đây, mà đã từ rất lâu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đôi khi người ta toàn nói đùa với nhau rằng: “Giờ ăn gì cũng chết, không chết ngay mà chết từ từ, nhưng mà thà chết no còn hơn chết đói”. Thực phẩm bẩn xem như đang là vấn nạn cho xã hội, cho dù chế tài có răn đe cỡ nào thì hàng ngày vẫn tràn lan lượng thực phẩm không đủ chất lượng vẫn được tiêu thụ ra thị trường.
Hằng ngày không biết có bao nhiêu kênh, tin tức đưa tin về việc phát hiện thực phẩm bẩn. Mới đây nhất như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 10.6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã công bố thông tin qua kiểm nghiệm phát hiện mẫu thử của lô 30 tấn cá nục đông lạnh đang tồn kho, thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển miền Trung, có chứa chất cực độc phenol.
Sắp tới đây Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7 theo đó Người chăn nuôi dùng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, thậm chí tới 20 năm. Quy định chi tiết định tại Điều 317: Tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 119/2013 quy định “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ”. Khoản 3 Điều 36 nghị định nói trên có nội dung “Buộc chủ chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ”.
Thiết nghĩ, quy định mới trên đây cũng là một tin vui đến với những người tiêu dùng. Nhưng xét về hành vi thì đối với tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp đe dọa tính mạng con người, không chỉ trực tiếp tới một người mà với rất nhiều người theo tình tiết tăng nặng trong BLHS.
Vì vậy, Theo tôi quy định xử phạt nêu trên vẫn còn là quá nhẹ đối với những người chăn nuôi cố tình sử dụng chất cấm và những người kinh doanh thực phẩm bẩn. Do đó, cần thiết kiến nghị tăng nặng và đa dạng khung hình phạt bao gồm cả chung thân và tử hình để mang tính răn đe cao hơn, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.