Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập các bài viết về an toàn thực phẩm, thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại…
Người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin khi liên tiếp tiếp nhận thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, để chống lại thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế phải cùng vào cuộc và sát sao hơn nữa trong việc quản lý an toàn thực phẩm.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Nhân dân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cho biết: "Hiện nay, hành lang pháp lý đã có hết. Nhưng cái chính là doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân vì ham lợi, sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để sản xuất, tiếp tay cung ứng sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, những thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng ra thị trường".
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường thực hiện việc quản lý nguồn gốc các thực phẩm ở chợ đầu mối, quản lý hàng ăn, quản lý bếp ăn tập thể, quản lý nước ăn... để bảo đảm mức độ ATTP tăng lên. Tuy nhiên việc quản lý này cũng không hề dễ dàng".
Do vậy bây giờ có cơ chế xử lý nhưng cũng khó mà kiểm soát được. Còn tính đến việc bao che nữa.