Ngày 17/4/2020, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.
Để đảm bảo hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, Bộ tài chính đã hướng dẫn cụ thể về các mức xử phạt cho các hành vi vi phạm. Trong đó việc các cơ quan, tổ chức có các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước tiến hành mua sắm, trang cấp các tài sản cho cơ quan, tổ chức mình vượt quá mức quy định vẫn hay xảy ra. Làm hao hụt, tổn thất đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, pháp luật đã quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 63/2019/NĐ-CP:
“Điều 6. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công
1. Phạt tiền đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Phạt tiền đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt dưới 50.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản trở lên.”
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2020/TT-BTC thì hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền quy định là hành vi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản vượt về diện tích, về số lượng hay về mức giá so với tiêu chuẩn và định mức đã được quy định trước đó. Cụ thể:
“Điều 4. Vi phạm quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP
Hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng, vượt về mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác) so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định.”
Vậy Giá trị xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong việc đầu tư mua sắm các tài sản công có thể lên tới 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) và được xác định rõ trong các quá trình mua sắm thông qua các hợp đồng hay về kích thước, số lượng và giá tiền của từng sẳn phẩm.