Vừa qua trên các diễn đàn xuất hiện hành vi quảng cáo “nhận đọc trộm tin nhắn” rồi chiếm đoạt tài sản. Hành vi rao có thể lấy lại Facebook đã bị mất hay tăng tương tác, đọc trộm tin nhắn là thủ đoạn mới của các đối tượng xấu nhằm khiến người dùng cung cấp những thông tin cá nhân rồi hack tài khoản facebook và chiếm tài khoản ngân hàng. Vậy thủ đoạn và mức phạt của hành vi này là gì?
Hiện trạng
Tình trạng quảng cáo nhận tăng lượt tương tác trên mạng xã hội, hay lấy lại tài khoản facebook bị mất, đọc trộm tin nhắn của người khác là những quảng cáo lừa đảo của các đối tượng.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản Facebook giả danh khác nhau để bình luận, đăng tải bài viết trên các hội nhóm với nội dung như "Khôi phục tài khoản Facebook, Zalo bị hack", "nhận đọc trộm tin nhắn", các dịch vụ tăng tương tác…vì sự nhẹ dạ cả tin mà người dùng đã làm theo lời chúng.
Các đối tượng nhắn tin, liên hệ, yêu cầu đặt cọc tiền lệ phí và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn của đối tượng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản qua việc hack tài khoản Facebook, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Với thủ đoạn trên, mà nhiều đối tượng đã chiếm được của người dân lên đến hàng trăm triệu đồng.
Vậy hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
Phạt tiền từ 02-03 triệu đồng đối với một trong những hành vi Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Theo đó, trong trường hợp cá nhân có hành vi hack facebook của người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt từ 02-03 triệu đồng.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền dành cho cá nhân vi phạm, đối với tổ chức mức phạt tiền gấp đôi cá nhân.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định:
Những trường hợp người sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù (ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này):
- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
- Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
- Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
- Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.