Câu hỏi: Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt như thế nào với hành vi không ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định pháp luật?
Trả lời: Căn cứ Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động phải thực hiện ký kết hợp đồng lao động trừ trường hợp công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng theo quy định khoản 2 Điều 16, Điều 18 BLLĐ 2012.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng khi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng.
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 31Nghị định 95/2013/NĐ-CP trong trường hợp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền lên đến 80.000.000 đồng khi không ký kết hợp đồng với người lao động theo quy định.
Việc không ký kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động ngoài việc bị phạt thêm tiền còn phải truy nộp đầy đủ số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại cho người lao động như không được chi trả chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả đầy đủ cho người lao động.