Xử phạt DN không xây dựng thỏa ước lao động tập thể và không đóng kinh phí công đoàn

Chủ đề   RSS   
  • #537640 21/01/2020

    Xử phạt DN không xây dựng thỏa ước lao động tập thể và không đóng kinh phí công đoàn

    1. Về xử phạt không thực hiện thỏa ước lao động.

    Theo quy định tại Điều 73 và 74 Bộ luật lao động 2012:

    Nếu doanh nghiệp và tập thể người lao động đã đạt được thỏa thuận về các điều kiện lao động thông qua thương lượng tập thể và đảm bảo điều kiện:

    - Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;

    - Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;

    - Đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ. Thì sẽ tiến hành kí kết thỏa ước lao động tập thể. Còn nếu chưa thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì sẽ không sẽ không kí kết thỏa ước lao động tập thể được.

    Trường hợp, nếu công ty và tập thể người lao động đã đạt được thỏa thuận và tiến hành kí kết thỏa ước lao động tập thể thì phải công bố cho mọi người lao động biết và theo Điều 75 Bộ luật lao động trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến:

    + Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.

    + Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác.

    Về xử lý vi phạm thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 12 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

    b) Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;

    c) Không công bố nội dung của thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho người lao động biết.

    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tập thể lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;

    b) Không tiến hành thương lượng tập thể để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng.

    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu.

    Có thể căn cứ theo quy định này và căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp để xem doanh nghiệp đã vi phạm và thực hiện thiếu thủ tục gì để có căn cứ và mức xử lý vi phạm phù hợp.

    2. Về  xử phạt không đóng kinh phí công đoàn được quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

    Điều 24c. Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn

    1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;

    b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;

    c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

    2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

    3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

    Dựa trên quy định này, và dựa vào tình hình thực tế trong trường hợp của từng doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thuộc một trong các hành vi trên thì sẽ bị xử phạt.

     
    4559 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận