Xử lý thế nào khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật?

Chủ đề   RSS   
  • #611774 21/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 467 lần


    Xử lý thế nào khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật?

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có nêu rõ hướng xử lý khi tổ chức, cá nhân kinh doanh phát hiện hàng hóa có khuyết tật

    (1) Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa thế nào?

    Ngày 01/7/2024, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 bắt đầu có hiệu lực.

    Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:

    - Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;

    - Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;

    - Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

    Theo khoản 1 Điều 33 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật được phân thành 02 nhóm như sau:

    - Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng;

    - Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng;

    - Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì áp dụng các quy định đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A.

    (2) Nguồn thông tin để xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật?

    Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, 07 nguồn thông tin, dữ liệu có thể dựa vào để xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm có:

    1- Thông báo, cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia và vùng lãnh thổ;

    2- Thông báo, cảnh báo của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên;

    3- Bản án, quyết định của Tòa án;

    4- Thông tin, cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

    5- Quyết định thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn hiệu lực;

    6- Xác định về nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

    7- Các nguồn thông tin, dữ liệu khác mà cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể chứng minh được tính xác thực hoặc có đủ cơ sở khoa học.

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự mình xác định chính xác nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để thực hiện chương trình thu hồi theo quy định và phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo quy định.

    (3) Xử lý thế nào khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật?

    Theo Điều 33 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, cá nhân, tổ chức kinh doanh tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:

    Bước 1: Kịp thời tiến hành các biện pháp để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật ra thị trường

    Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.

    Nếu thực hiện chậm trễ việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường mà gây ra hậu quả, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng.

    Bước 2: Công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó 

    Điều 18 Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiến hành các trách nhiệm công khai và thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó.

    Việc công khai thực hiện theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho đến khi kết thúc việc thu hồi.

    Lưu ý: Việc thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm A phải được thực hiện ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi sản phẩm, hàng hóa đó lưu thông.

    Bên cạnh đó, theo Điều 19 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, trước khi thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định 55/2024/NĐ-CP

    >> Tải Mẫu số 08 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/21/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2008.docx

    Sau khi kết thúc việc thu hồi, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc thu hồi tới các cơ quan này theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định 55/2024/NĐ-CP

    >> Tải Mẫu số 09 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/21/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2009.docx

    Nếu việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được thực hiện trên phạm vi 01 tỉnh, thành phố thì tổ chức, cá nhân kinh doanh gửi báo cáo thu hồi tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc UBND cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi.

    Nếu việc thu hồi diễn ra trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trở lên, tổ chức, cá nhân gửi báo cáo thu hồi tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương để kiểm tra, theo dõi; đồng thời báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi để các cơ quan này phối hợp kiểm tra, theo dõi việc thu hồi tại địa phương.

    Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ 01/7/2024.

     
    227 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận