Tình huống đặt ra là thời điểm 21/05/2021 đã bị UBND cấp xã lập biên bản ghi nhận hiện trạng vi phạm đất đai nhưng lại không lập biên bản xử lý theo quy định. Nay đơn vị tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính mới được không? Hay trường hợp trên lập biên bản vi phạm hành chính mà không ban hành Quyết định xử phạt, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hiện tại quá 02 năm kể từ ngày phát hiện?
Thời điểm tính thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 4 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTNMT năm 2022 hợp nhất Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có nêu về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đất đai là 2 năm và được tính từ thời điểm như sau:
- Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Khoản 3 và Khoản 4 thì mọi người có thể xem trực tiếp tại văn bản. Có thể thấy rằng, cần xác định hành vi vi phạm của chủ thể đó có còn tiếp diễn đến bây giờ hay không? Nếu đã chấm dứt rồi thì thời điểm tính thời hạn xác định từ thời điểm chấm dứt, đối chiếu với ngày 21/05/2021 thì hiện nay đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Còn nếu hành vi vi phạm vẫn còn tiếp diễn đến bây giờ thì vẫn có quyền ghi nhận lại để mà xác định hành vi phạm bây giờ, tờ đó tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, bỏ qua biên bản ghi nhận hiện trạng, chứ không phải do không lập biên bản năm 2021 mà giờ không thể xử phạt là không đúng.
Xử lý khi hết thời hiệu xử phạt
Căn cứ theo Điều 65 Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành, trong đó có nêu các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Thuộc những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính;
- Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
- Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt;
- Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
- Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt thì sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nữa. Thay vào đó, dựa theo Khoản 2 Điều 65 văn bản trên, Địa phương sẽ ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính. Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Trường hợp cá nhân không thực hiện Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì sẽ thực hiện cưỡng chế thi hành theo Điều 33 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, Quyết định cưỡng chế gồm những nội dung sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cá nhân, cơ quan có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.