Tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể như sau:
“1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
......”
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP hành vi lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau:
“1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.
2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính lên đến 10.000.000 đồng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm hoặc buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Tình trạng lấn chiếm đất đang diễn ra tràn lan trên cả nước, ở thành phố thì lấn chiếm dựng lều, sạp nhỏ buôn bán, ở nông thôn thì lấn đất xây nhà.
Như một vụ việc mình đọc gần đây trên báo Tuổi trẻ một thiếu tá công an ở Sóc Trăng đổ cát lấp kênh thoát nước để xây nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ xung quanh. Mặc dù những hộ dân ở đây đã báo với chính quyền địa phương nhưng vẫn không có cải tiện đáng kể, nhà vẫn tiếp tục xây, cho đến khi dư luận vào cuộc thì Ủy ban mới khẳng định việc lấn đất công trên là trái quy định và việc xây dựng không được cấp phép, sẽ đình chỉ thi công công trình.
Quy định xử lý thì có rồi nhưng thực thi tốt hay không lại là chuyện khác. Đối với vụ việc trên thì cá nhân mình khá là bức xúc vì Công an là chức vụ trong bộ máy hành pháp, chính họ am hiểu pháp luật lại cố tình làm trái, việc xử lý cũng chưa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật. Dù sao cách tốt nhất có thể khi thấy hành vi lấn chiếm thì trước tiên bạn nên báo cáo với chính quyền địa phương và nhờ báo chí vào cuộc nếu cần thiết.