Trả lời:
Chào anh/chị, về trường hợp của anh/chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Bởi vậy, có thể hiểu, thử việc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động thử việc theo hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động. Việc lựa chọn giao kết theo một trong hai loại hợp đồng trên sẽ ảnh hưởng đến việc người lao động được đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc. Bởi lẽ, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà không áp dụng đối với hợp đồng thử việc.
Đồng nghĩa với đó, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, thời gian thử việc của người lao động trong trường hợp này sẽ không được tính tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo phân tích ở trên, thử việc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Vì vậy, nếu người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì người lao động sẽ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi đó, thời gian thử việc của người lao động sẽ được tính vào thời gian hưởng bảo hiểm xã hội.
Tóm lại, theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động thử việc sẽ được đóng bảo hiểm xã hội nếu có thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
Điều 168 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định để yêu cầu người sử dụng lao động chi trả thêm một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, nếu người thử việc trong hợp đồng không quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; nên người sử dụng lao động sẽ không trả các chi phí bảo hiểm nêu trên cho người lao động trong thời gian thử việc.
Trên đây là quan điểm tư vấn của tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc. Nếu anh/chị còn vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với luật gia Giang Phương Thảo (số điện thoại 0345904024 hoặc email thaophuongtyl@gmail.com) hoặc để được giải đáp và tư vấn.