Chào chị!
Như vậy là vợ chồng chị đã được Tòa án cho ly hôn. Khi ly hôn, vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết mà để tự thỏa thuận phân chia tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa thỏa thuận được, hoặc không thể tỏa thuận được.
Vậy trước hết, chị hãy kiểm tra lại quyết định hoặc bản án trước đây của tòa án xem phần ghi về tài sản chung cụ thể thế nào.
Nếu trong quyết định ghi:
"Về tài sản chung: không có" thì gay to.
Nếu trong quyết định ghi:
"Về tài sản chung: vợ chồng (hoặc các đương sự) tự thỏa thuận" thì không sao.
1/ Trường hợp 1:
Nếu quyết định ghi không có tài sản chung, nhưng thực tế vợ chồng có tài sản chung thì đồng nghĩa với việc kết luận của bản án/quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Việc chị phải làm là viết đơn yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm gửi đến người có thẩm quyền để xử hủy bản án/quyết định đó về phần tài sản của bản án. Lúc đó chị mới có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án chia tài sản chung sau ly hôn.
Về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm:
- Nếu bản án/quyết định đã có hiệu lực trước đây là của Tòa án cấp huyện thì đơn chị gửi đến Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.
- Nếu bản án/quyết định đã có hiệu lực trước đây là của Tòa án cấp tỉnh thì đơn chị gửi đến Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao.
Sau khi đã có quyết định giám đốc thẩm, chị làm thủ tục khởi kiện như trong trường hợp 2 dưới đây.
2/ Trường hợp 2:
Nếu quyết định ghi vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản, thì với hoàn cảnh chị đã nêu, chị nên tìm cách để anh ấy khởi kiện ra Tòa án. Ví dụ như anh ấy muốn bán đất thì chị làm ngay đơn gửi UHND phường/xã và Phòng đăng ký quyền sử dụng đất đề nghị không làm thủ tục chuyển nhượng chẳng hạn. Để đạt được mục đích của mình, anh ấy sẽ phải khởi kiện thôi.
Nếu chị buộc phải khởi kiện, thì theo quy định chị phải nộp tiền tạm ứng án phí với mức 2,5% trên tổng giá trị tài sản chung của vợ chồng. Đây là một số tiền khá lớn, theo như chị trình bày thì nó vượt ra ngoài khả năng của chị.
Nhưng theo quy định của pháp luật, nếu chị thuộc diện nghèo (có giấy chứng nhận) thì chị được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí (và miến cả tiền án phí sau khi Tòa án giải quyết xong vụ án). Trường hợp này chắc không khả thi, vì với tài sản như trên thì chẳng ai chứng nhận cho chị là thuộc diện nghèo cả.
Tuy nhiên pháp luật cũng quy định, nếu chị có khó khăn về kinh tế được UBND xã, phường, thị trấn nơi chị cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi chị làm việc xác nhận, thì chị được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền án phí. Mức miễn tối đa là không quá 50% tiền tạm ứng án phí, tiền án phí. Nghĩa là nếu chị được miễn ở mức tối đa, chị sẽ chỉ phải nộp 1,25% trên tổng giá trị tài sản chung của vợ chồng.
Theo đó, khi làm đơn khởi kiện, chị nộp kèm theo đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi chị cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi chị làm việc. Đơn đề nghị miễn gồm có các nội dung chính sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn.
- Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn.
- Lý do và căn cứ đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án.
Đơn khởi kiện thì chị phải làm theo mẫu của Tòa án, chị đến Tòa án để được hướng dẫn viết đơn.
Quá trình giải quyết tại Tòa án, chị hãy trình bày tất cả những khó khăn của mình để được Tòa án xem xét giao cho chị sử dụng miếng đất như chị mong muốn.
Lưu ý: Tài sản chung của vợ chồng, chị nêu không rõ ở chỗ:
1/ Ngoài 2 miếng đất, còn có một ngôi nhà đang thuộc diện giải tỏa và tranh chấp nằm trên miếng đất thứ 3.
2/ Hay ngôi nhà đó nằm trên một trong hai miếng đất.
Nếu thuộc trường hợp thứ nhất thì khi làm đơn khởi kiện, chị cứ nêu cả 3. Nhưng ở phần yêu cầu Tòa án giải quyết, chị chỉ nên yêu cầu Tòa án chia hai miếng đất thôi. Còn ngôi nhà đang có tranh chấp chị nêu rõ là chưa yêu cầu giải quyết. Vì nếu chị yêu cầu cả 3 thì Tòa án phải tạm đình chỉ vụ án để chờ quyết định giải quyết tranh chấp đó của cơ quan có thẩm quyền, vụ án sẽ bị kéo dài.
Còn nếu thuộc trường hợp thứ hai thì chị phải yêu cầu Tòa án giải quyết toàn bộ luôn. Và khi đó chắc chắn vụ án sẽ phải kéo dài vì lý do như đã nêu ở trên.
Chúc chị sớm giải quyết được khó khăn.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!