Giả sử công ty có ba cổ đông với tỷ lệ cổ phần là 10%, 22% và 68% và nhiệm kỳ này công ty sẽ bầu ra năm thành viên HĐQT. Theo cách bầu thông thường, nghĩa là cổ đông sẽ có số phiếu biểu quyết bằng với số cổ phần họ nắm giữ, chắc chắn là năm thành viên HĐQT nhiệm kỳ này sẽ hoàn toàn do cổ đông nắm 68% chọn lựa mà không cần ý kiến của hai cổ đông còn lại. Lý do đơn giản là theo luật, quyết định của đại hội đồng cổ đông sẽ được thông qua khi từ có 65% phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp chấp thuận, trong khi cổ đông này nắm tới 68% phiếu biểu quyết.
Tuy nhiên, theo cách thức bầu dồn phiếu, tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông trong công ty này sẽ được tăng lên năm lần tương ứng với số thành viên HĐQT của nhiệm kỳ mới và do vậy sẽ lần lượt là 50%, 110% và 340%. Và khi cổ đông dồn toàn bộ phiếu biểu quyết này cho ứng viên mà họ chọn lựa, kết quả bầu cử sẽ gay cấn và khó lường hơn.
Trong ví dụ này, cổ đông nắm 22% chắc chắn được chọn một thành viên HĐQT bằng việc dồn 110% phiếu bầu cho ứng viên mà họ đề cử; cổ đông 68% sẽ dồn 300% phiếu biểu quyết cho ba ứng viên mà họ đề cử và chắc chắn có ba suất thành viên HĐQT. Vậy kết quả là trong năm thành viên HĐQT, sẽ có ba người của cổ đông 68%, một người của cổ đông 22% và một suất còn lại sẽ là cuộc tranh đua của cổ đông 10% và cổ đông 68%. Cổ đông 10% vẫn còn 50% phiếu biểu quyết trong khi khi ứng cử viên cuối cùng của cổ đông 68% chỉ có 40% phiếu biểu quyết, nghĩa là lợi thế nghiêng về cổ đông 10%. Nếu may mắn anh ta có được thêm 10% phiếu biểu quyết còn lại của cổ đông 22% thì anh ta sẽ có 60% phiếu biểu quyết và sẽ trúng cử. Vậy kết quả tốt nhất cho các cổ đông nhỏ lúc này là họ có 02 suất trong HĐQT – một kết quả bầu cử tuyệt vời hơn nhiều so với cách bầu cử thông thường.
Cái độc đáo tiếp theo của bầu dồn phiếu là cách thức chọn ra người trúng cử. Người trúng cử thành viên HĐQT hoặc Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định.
Quy định này nghĩa là môt người trúng cử HĐQT hoặc BKS sẽ tùy thuộc vào vị trí của họ trong bảng kết quả bầu cử, mà không nhất thiết phải đạt được 65% phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp. Theo ví dụ trên, ứng viên của cổ đông 10% vẫn có cơ hội trúng cử khi anh ta chỉ đạt được 50% phiếu biểu quyết, miễn là kết quả bầu cử cho thấy anh ta đứng thứ năm từ trên đếm xuống. Lý do để giải thích cho việc chọn lựa ứng viên trúng cử là vì các cổ đông đã sử dụng toàn bộ quyền biểu quyết của họ cho một lần bầu duy nhất, lúc này lợi thể của cổ đông lớn cũng không còn nữa, vì mọi cổ đông đã sử dụng hết quyền bầu cử của mình.
Nghị định 102/2010/CĐ-CP hướng dẫn bầu dồn phiếu còn giải thích rất chi tiết rằng khi có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng (chỉ cho thành viên cuối cùng!) thì lúc ấy, công ty mới phải tiến hành bầu lại, nhưng sẽ bầu trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau mà thôi. Thậm chí, nếu công ty đã đưa ra các tiêu chí chọn thành viên HĐQT và BKS trong quy chế bầu cử hoặc điều lệ, công ty có thể dựa vào các tiêu chí này để chọn người trúng cử mà không cần bầu cử lại.
Ngộ nhận về bầu dồn phiếu
Không phải cổ đông nào cũng hiểu rõ về bầu dồn phiếu và cả các công ty cổ phần cũng vậy. Nhiều công ty vẫn nghĩ về bầu dồn phiếu cũng như bầu thông thường. Từ đó có sự nhầm lẫn giữa tỉ lệ phiếu biểu quyết để thông qua một quyết định của đại hội đồng cổ đông và tỷ lệ trúng cử trong bầu dồn phiếu.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp diễn giải là 65% là tỷ tối thiểu để thông qua một quyết định của đại hội đồng cổ đông và bầu cử cũng là một cách thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông, do vậy, một ứng viên sẽ chỉ trúng cử khi có được 65% phiếu biểu quyết. Chúng ta cần xem lại điều 104 Luật Doanh nghiệp để hiểu chính xác quy định này.
Điều 104 quy định rằng quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Được sự chấp thuận của số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp; (b) Đối với quyết định khác (về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty. . . ) thì phải được sự chấp thuận của số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp; và (c) Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu.
Như vậy, điều luật này đã chia việc ra quyết định của đại hội đồng cổ đôngthành ba trường hợp khác nhau, quy định tại ba khoản khác nhau và tương ứng với chúng là với ba cách thức ra quyết định khác nhau. Do vậy, không thể hiểu rằng tỷ lệ 65% trong khoản (a) cũng áp dụng cho bầu dồn phiếu trong khoản (c) được.
Trong thực tế, do cách hiểu này, nhiều ứng cử viên HĐQT/BSK bị đánh rớt khi không đạt tỷ lệ 65% mà đúng ra họ phải trúng cử theo cách chọn người trúng cử trong bầu dồn phiếu. Như đã phân tích ở trên, bầu dồn phiếu là bầu “một lần cho đến chết” – tức là cho đến khi có kết quả mới thôi và mà không quan tâm đến tỷ lệ 65% như khi ra các quyết định thông thường.
Điều đáng lưu ý là ngay cả Tòa án cũng lúng túng trong việc giải thích về phương thức bầu dồn phiếu này. Trong một vụ án thực tế, tòa án đã hủy một nghị quyết của đại hội đồng cổ đông của một công ty cổ phần với lập luận rằng ngay cả khi thực hiện theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, công ty cũng phải đảm bảo tỉ lệ 65% số phiếu đồng ý của cổ đông tham dự. Cách hiểu này là không chính xác theo Luật Doanh nghiệp và làm mất đi tính ưu việt của bầu dồn phiếu.