Bí mật đời tư của cá nhân là những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân mà cá nhân giữ cho riêng mình và đây là quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân đó. Tuy nhiên, ngày nay không ít trường hợp xâm phạm quyền riêng tư vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Một trong số đó là hành vi xem trộm thư (hoặc email điện tử, tin nhắn, nhật ký, tài liệu…) của người khác. Xem trộm thư từ được hiểu là việc làm lén lút theo dõi nội dung thư mà chưa được sự đồng ý của người đó.
Bí mật đời tư là quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, trong đó bao gồm cả quyền riêng tư về thư tín: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” (Điều 21 Hiến pháp 2013).
Trên cơ sở quyền hiến định này, Bộ luật dân sự 2015 cũng đã đưa ra quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo vệ như sau: “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật” (khoản 3 Điều 38).
Do đó, hành vi tự ý xem thư từ của người khác là hành vi vi phạm pháp luật về bí mật riêng tư cá nhân và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Về trách nhiệm dân sự:
Nếu hành vi đọc trộm thư tín gây ra những tổn thất về tinh thần và vật chất cho người bị thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, ngoài những tổn thất cề vật chất có thể gây ra thì còn có những khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần do quyền nhân thân bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
|
>>>Về trách nhiệm hành chính
Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm với các thành viên trong gia đình, sau đó tiết lộ, phát tán những tin nhắn này làm xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người đó thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a Khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 01 - 1,5 triệu đồng nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
>>>Về trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Theo đó, nếu trước đó người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật riêng tư mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội trong trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng; thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế tình trạng xâm phạm bí mật đời tư qua thư tín xảy ra khá phổ biến trong khi việc xử phạt hành chính hay xử lý trách nhiệm hình sự người vi phạm lại còn rất hạn chế chưa nói đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự lại càng hiếm hoi hơn. Nguyên nhân có thể do người phạm tội chưa ý thức được hành vi của mình hoặc người bị thiệt hại không biết hoặc biết nhưng nể tình bỏ qua. Bởi lẽ đó, mọi người nên nhận thức được mức độ nghiêm trọng mà hành vi xâm phạm thư tín gây ra để bảo vệ bí mật đời tư của mình và để người vi phạm bị xử lý thích đáng.