Xe máy đóng cọc có phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc không?

Chủ đề   RSS   
  • #612123 30/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1168)
    Số điểm: 19978
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 399 lần
    SMod

    Xe máy đóng cọc có phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc không?

    Xe máy đóng cọc là loại xe gì? Xe máy đóng cọc có phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới không? Cụ thể qua bài viết sau đây.

    Xe máy đóng cọc có phải là xe cơ giới không?

    Theo phụ lục 1 Danh mục xe máy chuyên dùng ban hành kèm Thông tư 22/2019/TT-BGTVT quy định Máy đóng cọc là một loại xe máy thi công.

    Đồng thời, theo Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: 

    - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

    - Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

    - Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.

    Như vậy, xe máy đóng cọc không phải là xe cơ giới mà chỉ là phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

    Xe máy đóng cọc có phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc không?

    Theo Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng bao gồm:

    - Chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    - Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    - Chủ đầu tư, nhà thầu theo quy định của pháp luật xây dựng đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    - Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp bảo hiểm”); doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp tái bảo hiểm”).

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chỉ áp dụng với chủ xe cơ giới. Trong khi đó, xe máy đóng cọc không phải là xe cơ giới mà chỉ là phương tiện tham gia giao thông đường bộ nên không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới.

    Điều kiện tham gia giao thông của xe máy đóng cọc là gì?

    Theo Điều 57 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng như sau:

    - Bảo đảm các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

    + Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

    + Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

    + Có đèn chiếu sáng;

    + Bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

    + Các bộ phận chuyên dùng phải lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, bảo đảm an toàn khi di chuyển;

    + Bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

    - Có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

    - Hoạt động trong phạm vi quy định, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di chuyển.

    - Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa và nhập khẩu xe máy chuyên dùng phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

    - Chủ phương tiện và người điều khiển xe máy chuyên dùng chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và kiểm định theo quy định đối với xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ.

    - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cấp, thu hồi đăng ký, biển số; quy định danh mục xe máy chuyên dùng phải kiểm định và tổ chức việc kiểm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số và kiểm định xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

    Như vậy, xe máy đóng cọc là một loại xe máy chuyên dùng, nên khi tham gia giao thông thì cũng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như trên.

     
    62 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận