Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6723:2000 về phương tiện giao thông đường bộ - ô tô chở khách cỡ nhỏ - yêu cầu về cấu tạo trong công nhận kiểu. Trong đó, có quy định về tiêu chuẩn mà xe khách cỡ nhỏ phải đáp ứng được về phòng cháy như sau.
Cụ thể, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6723:2000 này áp dụng cho ô tô một toa cứng loại M2 và M3 được thiết kế và cấu tạo để chở người đứng hoặc ngồi và có sức chở không quá 22 hành khách không kể lái xe.
M2 là những ô tô chở hơn 8 người, không kể lái xe, và có khối lượng lớn nhất không quá 5 tấn.
M3 là những ô tô chở hơn 8 người, không kể lái xe, và có khối lượng lớn nhất lớn hơn 5 tấn.
(1) Xe ô tô khách cỡ nhỏ cần đáp ứng những Hồ sơ kỹ thuật gì?
Theo mục 4 TCVN 6723:2000 quy định thì xe ô tô chở khách cỡ nhỏ cần đáp ứng những yêu cầu về tài liệu kỹ thuật như sau:
- Bản mô tả chi tiết kiểu ô tô về kết cấu, kích thước, hình dạng và các vật liệu cấu thành.
- Bản vẽ của ô tô và bố trí bên trong ô tô
- Bản mô tả chi tiết về:
+ Khối lượng kỹ thuật lớn nhất (PT), (kg). "Đối với ô tô hoặc ô tô đường dài có khoang nối khối lượng này phải được cung cấp riêng cho từng khoang cứng".
+ Khối lượng kỹ thuật lớn nhất của mỗi cầu (kg)
+ Khối lượng không tải của ô tô
- Quy định nếu có đối với việc chở hành lý hoặc hàng hoá.
- Khi một hoặc nhiều khoang hành lý được dùng để chở hành lý không phải là hành lý xách tay, tòan bộ thể tích của những khoang này (V), (m3) và tổng khối lượng của hành lý mà nó có thể chứa được (B), (kg).
- Khi ô tô được trang bị để chở hành lý trên nóc, tổng diện tích được dành cho những hành lý này (VX), (m2) và tổng khối lượng hành lý có thể đặt trên đó (BX), (kg).
- Hình chiếu bằng của diện tích toàn bộ bề mặt dự định dành cho hành khách ngồi và hành khách đứng (S0), (m2).
- Hình chiếu bằng của diện tích toàn bộ bề mặt dự định dành cho hành khách đứng (S1), (m2) phù hợp với diện tích dành cho hành khách (5.2)
- Số ghế hành khách và người phục vụ (nếu có).
- Số hành khách dự tính
- Loại hoặc các loại ô tô đề nghị được công nhận.
(2) Xe ô tô khách cỡ nhỏ cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật gì về phòng cháy?
Đối với khoang động cơ:
- Trong khoang không được dùng các vật liệu cách âm dễ cháy hoặc dễ phồng rộp khi tiếp xúc với nhiên liệu hoặc dầu bôi trơn (trừ khi được bao bọc trong các tấm không thẩm thấu).
- Đối với các biện pháp phòng ngừa: bằng một sơ đồ bố trí khoang động cơ hợp lý hoặc bằng cách dự phòng những lỗ thoát để tránh tới mức tối đa khả năng nhiên liệu hoặc dầu bôi trơn đọng trên bộ phận bất kỳ của khoang động cơ.
- Dùng vách ngăn bằng vật liệu cách nhiệt để ngăn khoang động cơ khỏi các nguồn nhiệt khác. Có thể trang bị thiết bị sưởi nóng không dùng nước nóng ở trong khoang hành khách, nếu bọc bằng vật liệu ngăn cách được nhiệt phát ra từ thiết bị, không phát ra khói độc và được bố trí sao cho hành khách không thể chạm được vào bất kỳ bề mặt nóng nào.
Đối với miệng nhiên liệu (chỉ được bố trí bên ngoài ô tô):
- Không được nằm dưới ô cửa, không được ở trong khoang hành khách hoặc khoang lái hay ở vị trí mà nhiên liệu có thể rớt xuống động cơ hoặc hệ thống khí xả trong khi nạp nhiên liệu.
- Trường hợp thùng nhiên liệu bị đổ ngược hoàn toàn thì nhiên liệu không được trào ra ngoài miệng rót hoặc qua thiết bị cân bằng áp suất trong thùng (cho phép giọt nhỏ nhưng không quá 30 g/ phút). Trường hợp thùng nhiên liệu thông nhau thì áp suất trong quá trình thử phải tương ứng với vị trí bất lợi nhất của các thùng nhiên liệu.
- Trường hợp miệng rót ở thành bên thì nắp vặn không được nhô ra ngoài bề mặt cạnh miệng rót của thân ô tô. Đồng thời, nắp này cũng phải được thiết kế và có cấu tạo sao cho nó không thể bị mở ra ngẫu nhiên.
Đối với thùng nhiên liệu:
- Phải được cố định chắc chắn và được bố trí sao cho bảo vệ được thùng khi xảy ra va đập phía trước và sau nhờ kết cấu của khung ô tô. Không phần nào của thùng nhiên liệu được cách đầu ô tô nhỏ hơn 60cm và đuôi ô tô nhỏ hơn 30cm. Trừ trường hợp ô tô đáp ứng được các yêu cầu của ECE 34 về chống va đập phía trước và sau. Đồng thời, không được có các phần lồi, cạnh sắc,... gần các thùng nhiên liệu.
- Không phần nào được nhô ra ngoài chiều rộng toàn bộ của thân ô tô.
- Phải chịu được ăn mòn.
- Áp suất phải được tự động điều chỉnh bằng các thiết bị thích hợp (ống thông hơi, van an toàn ...) khi vượt quá áp suất làm việc. Các ống thông hơi phải được thiết kế sao cho chống được cháy.
- Các thùng nhiên liệu đều phải qua kiểm tra áp suất thủy lực bên trong.
Đối với hệ thống cung cấp nhiên liệu:
- Không được bố trí thiết bị cấp, dẫn nhiên liệu trong khoang hành khách và khoang người lái.
- Đường dẫn nhiên liệu và các bộ phận khác của hệ thống dẫn nhiên liệu phải được đặt ở những vị trí có sự bảo vệ hợp lý nhất trên ô tô.
- Sự uốn, xoắn và rung động của kết cấu ô tô hoặc của động cơ không được tạo ra ứng suất khác thường đối với đường dẫn nhiên liệu.
- Các mối nối giữa các ống dẫn mềm hoặc dễ uốn với các phần cứng của hệ thống dẫn nhiên liệu phải được thiết kế và cấu tạo sao cho duy trì được việc chống rò rỉ trong mọi điều kiện sử dụng khác nhau của ô tô (dù đã được dùng trong thời gian dài).
- Không bao giờ được để rò rỉ nhiên liệu vào hệ thống khí xả mà chỉ có thể được rơi tự do xuống mặt đường.
Đối với công tắc khẩn cấp (nếu có)
- Được đặt ở vị trí sao cho lái xe khi ngồi ở ghế có thể điều khiển ngay được.
- Được đánh dấu rõ ràng và được lắp một nắp bảo vệ hoặc các hình thức bảo vệ thích hợp khác (kèm theo chỉ dẫn về cách sử dụng)
- Khi tác động vào công tắc khẩn cấp phải đồng thời thực hiện được các chức năng sau:
+ Động cơ ngừng hoạt động nhanh
+ Ngắt mạch ắc quy, được lắp đặt càng gần ắc quy càng tốt, và nó phải ngắt ít nhất một cực của ắc quy ra khỏi mạch điện chính, trừ các mạch thực hiện các chức năng được yêu cầu bởi 5.5.5.3.3.
+ Đóng công tắc tín hiệu cảnh báo sự nguy hiểm của ô tô.
Ngoài ra, công tắc khẩn cấp ngoài việc tác động như đã nêu trên ra thì còn có thể kích hoạt bằng những bộ phận điều khiển riêng, miễn là chúng không tạo ra nhiễu khẩn cấp ảnh hưởng tới chức năng của công tắc khẩn cấp.
Đối với dây dẫn và thiết bị điện:
- Tất cả dây điện phải được cách điện tốt. Dây và các thiết bị điện lộ thiên phải chịu được nhiệt độ và điều kiện ẩm ướt (đặc biệt là trong khoang động cơ).
- Trong mạch điện không được sử dụng một dây dẫn nào tải dòng điện vượt quá giá trị cho phép.
- Mỗi một mạch điện cung cấp cho một bộ phận hay một thiết bị phải có cầu chì hoặc cái ngắt mạch. Ngoài trừ các mạch như: thiết bị khởi động, mạch đánh lửa,...Tuy nhiên những mạch cung cấp cho các thiết bị có công suất tiêu thụ nhỏ có thể được bảo vệ bằng cầu chì hoặc cái ngắt mạch chung với điều kiện dòng chung không vượt quá 16A.
- Tất cả các dây điện phải được bảo vệ tốt và kẹp giữ cẩn thận ở các vị trí tránh mọi hư hỏng do bị cắt, mài hay cọ xát.
Đối với ắc quy: tất cả phải được bảo vệ tốt và dễ lấy ra/lắp vào. Ngăn đựng ắc quy phải tách rời khỏi khoang hành khách và khoang người lái, và được thông với không khí bên ngoài.
Đối với bình cứu hoả và bộ dụng cụ sơ cứu:
- Phải được trang bị một hoặc nhiều bình cứu hoả, một bình được lắp gần ghế người lái. Mỗi bình cứu hỏa phải có tỉ lệ kiểm tra nhỏ nhất 8A hoặc 21B theo quy định.
- Phải có không gian để đặt một hay nhiều túi cứu thương, không gian không được nhỏ hơn 7 dm3, kích thước nhỏ nhất không nhỏ hơn 80mm.
- Các bình cứu hoả và túi cứu thương phải được bảo vệ chống trộm hoặc phá hoại và được đánh dấu vị trí rõ ràng.
Như vậy, để được công nhận là đạt tiêu chuẩn về phòng cháy thì xe ô tô chở khách cỡ nhỏ phải đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật như đã nêu trên.