Xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610940 25/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 513 lần


    Xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

    Không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở vật liệu xây dựng dù đã được che chắn nhưng vẫn làm rơi, vãi ra đường nhìn rất không an toàn, có thể gây tai nạn giao thông.

    Vậy nếu xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý thế nào?

    (1) Xe chở xà bần khi lưu thông trên đường phải chấp hành các quy định nào?

    Khi lưu thông trên đường, không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở VLXD (cát, xà bần,...) dù dó che chắn nhưng khi lưu thông cát vẫn bay tung bụi mù mịt ra phía sau xe, hay nước chảy ra từ sau xe làm đường trơn trượt, gây mất an toàn giao thông.

    Đôi lúc chúng ta sẽ tự hỏi những xe chở VLXD như vậy có được pháp luật quy định phải đảm bảo an toàn giao thông cho người đi phía sau không.

    Theo quy định tại Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi vận chuyển hàng hóa bằng ô tô phải chấp hành các quy định sau:

    + Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn;

    + Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.

    + Không được chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe;

    + Không được chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Giao thông đường bộ 2008

    Như vậy, các xe chở VLXD khi vận chuyển vật liệu xây dựng phải có che đậy, không để rơi vãi hàng hóa ra đường, không được chở hàng quá trọng tải và kích thước giới hạn cho phép của xe.

    (2) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu xây dựng ra đường bị xử lý thế nào?

    Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau:

    Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    - Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ;

    - Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;

    - Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

    Bên cạnh đó, ngoài việc phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện các hành vi trên đây còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là:

    - Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra

    - Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

    (khoản 6 Điều 20 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP)

    Như vậy, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà làm rơi vãi hàng hóa, vật liệu xây dựng dù có bạt che hay không có bạt che vẫn sẽ bị phạt theo khoản 2 và khoản 6 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP.

    Mức phạt tiền cao nhất là 4 triệu đồng, kèm với các biện pháp như phải thu dọn chỗ xà bần bị rơi vãi, khôi phục lại ban đầu nếu có gây ra sự thay đổi do vi phạm của mình và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu gây ô nhiễm môi trường.

    Nhiều người té ngã vì đường trơn trượt do xe chở VLXD làm rơi vãi

    (3) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu gây tai nạn giao thông bị phạt ra sao?

    Xe chở xà bần làm rơi vãi sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    Tuy nhiên nếu gây ra tai nạn giao thông và vi phạm các quy định về an toàn giao thông được quy định trong Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Cụ thể, các hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau:

    - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

      + Làm chết người;

      + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

      + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

      + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

      + Không có giấy phép lái xe theo quy định;

      + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

      + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

      + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

      + Làm chết 02 người;

      + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

      + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

      + Làm chết 03 người trở lên;

      + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

      + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

    - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Theo đó, người điều khiển xe chở VLXD dù có bạt che hay không có bạt che nếu làm rơi vãi hàng hóa mà gây tai nạn giao thông có gây thiệt hại về người và tài sản thì sẽ bị phạt lên đến 15 năm tù, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 05 năm.

    Do đó, người điều khiển xe vận chuyển VLXD phải kiểm tra kỹ hàng hóa, phông bạt và đảm bảo không rơi vãi ra ngoài trước và trong lúc lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác.

     
    523 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận