Xây dựng mồ mả tổ tiên được coi là một phần quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết, thế nào là xây dựng mồ mả đúng với quy định pháp luật? Việc xây dựng mồ mả trên phần đất ở, đồng ruộng có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Ở nông thôn, hiện tại người dân vẫn còn xây dựng những phần mồ mả của tổ tiên, người thân trên những mảnh đất ở hay đồng ruộng. Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 căn cứ vào mục đích sử dụng mà đất đai được phân thành 3 loại: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó, đất ruộng là đất dùng để trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp; đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Cụ thể, đất ở được sử dụng với mục đích xây dựng nhà ở hoặc các công trình phục vụ đời sống của người sử dụng đất.
Hình ảnh minh họa: Xây dựng mồ mả trên đồng ruộng
Theo đó, đối với đất để xây dựng mồ mả là đất nghĩa trang. Đất nghĩa trang thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được quy định tại điểm h, Khoản 2 Điều 10 Luật này và thường được quy hoạch tập trung dưới sự quản lí chặt chẽ của người trông coi. Do đó, việc xây dựng mồ mả trên đất ruộng thuộc đất nông nghiệp là không đúng với quy định pháp luật.
Căn cứ tiếp tại Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như sau:
“Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, một trong những nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải sử dụng đất đúng mục đích được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc sử dụng đất trái mục đích là hành vi vi phạm pháp luật.
Tương tự, việc xây dựng mồ mả trên phần đất ở là hành vi vi phạm pháp luật. Dựa trên Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định nguyên tắc cần thiết khi chôn cất mồ mả, xây dựng nghĩa trang phải dựa trên kế hoạch quy hoạch cụ thể, chỉ rõ vị trí, đáp ứng điều kiện khoảng cách thích hợp để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư xung quanh.
Như vậy, mồ mả không thể được xây dựng trên đất ở do vi phạm các điều kiện về vệ sinh được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho bản thân và gia đình thì việc xây dựng mồ mả phải được chôn cất quy hoạch, thống nhất tại một địa điểm thống nhất theo quy định của pháp luật và chỉ dẫn của từng địa phương.