Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Khi bị tai nạn lao động họ cũng cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định từ Bộ luật lao động 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã quy định rộng hơn về chính sách của nhà nước trong việc chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, áp dụng cho cả những người làm việc không theo hợp đồng lao động; đồng thời tại điểm c khoản 3 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định: "Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định".
"Bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện" hiện đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật này, góp phần thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo thường không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn cam kết ngay cả khi không có việc làm...).
Phương thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm 6 chương, 39 điều trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai.
Bên cạnh các quy định chung, dự thảo đã nêu rõ các quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện…
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ có 03 quỹ thành phần (Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất). Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng không quy định Quỹ về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là Quỹ độc lập. Trong dự thảo Nghị định, Quỹ này chỉ là Quỹ thành phần thuộc Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng được hạch toán độc lập để đánh giá cân đối thu chi, điều chỉnh linh hoạt mức đóng theo yêu cầu thực tiễn; bao gồm các nội dung sau:
(1) Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
(2) Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
(3) Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị quy định hòa đồng nguồn thu, chi của Quỹ tự nguyện này vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm hạch toán đơn giản hơn và sử dụng được kết dư từ Quỹ bắt buộc trong chia sẻ rủi ro, không cần hỗ trợ đóng thêm từ ngân sách. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện về hưu trí, tử tuất và bảo hiểm y tế, thì cần phải hạch toán độc lập, đánh giá cân đối thu, chi trước khi hòa đồng, đồng thời phải có hỗ trợ từ ngân sách để góp phần mở rộng đối tượng tham gia, tránh rủi ro cho Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hồ sơ thủ tục tham gia chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Trên cơ sở quy định hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội 2014, tham khảo quy định của bảo hiểm xã hội tự nguyện về hưu trí và tử tuất, dự thảo quy định cụ thể các loại Hồ sơ sau: đăng ký tham gia; điều chỉnh thông tin tham gia; giải quyết đăng ký tham gia; đăng ký lại phương thức đóng; hưởng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để bảo đảm có thời gian chuẩn bị các điều kiện triển khai và dự kiến những diễn biến bất thường (nếu có) của kinh tế - xã hội, dự kiến Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.