Mình nhớ không lầm thì ngay từ những lớp đầu cấp 1 chúng ta đã được học môn Chính tả kèm với môn Tiếng Việt.
Phải nói Tiếng Việt mình phong phú lắm, bởi lẽ cả 12 năm học ở cấp phổ thông năm nào cũng học Tiếng Việt, mỗi năm được học mỗi cấu trúc ngữ pháp, làm văn khác nhau. Thế mới nói, dân ta hay truyền nhau câu “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”!
Tình cờ mình mở tập học của mấy đứa em từ đứa học cấp 2 đến cấp 3, thì thấy hỡi ôi..không ít thì nhiều cũng có sai chính tả. Sai chính tả trong tập vở thì không ảnh hưởng gì nhiều, ví như một đứa trẻ đang học môn chính tả nếu sai thì bị điểm thấp, nó có thể sửa chữa sau lần bị điểm thấp đó. Hoặc một bạn làm văn viết sai chính tả, có thể trừ điểm sai sót để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Nhưng một câu hỏi đặt ra, nếu một cán bộ phường – xã, nhất là mấy bác ghi Giấy khai sinh, hộ khẩu cho các hộ đấy. Sai chính tả dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Mình dẫn chứng một số trường hợp để các bạn thấy nhé!
Trường hợp 1:
"Đi khắp Việt Nam cũng tìm không ra người có tên như em'. Thầy giáo dạy văn cấp 3 tuyên bố giữa lớp làm em xấu hổ với bạn bè", cô gái có tên Phan Thị Xâm (học năm nhất Học Viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Cô bạn này chia sẻ, ngày trước ông nội nhất quyết đặt tên cô là Sâm (có nghĩa một loại thuốc quý, báu vật), thế nhưng, chẳng ngờ khi đi làm Giấy khai sinh, cán bộ hộ tịch là khai tên cô là Xâm – ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Ngày nhỏ không biết, lớn lên học đủ chữ nghĩa thì mới rõ là tên bị sai.
Trường hợp 2:
Anh Lê Chí Thức, 26 tuổi, nhân viên cho một công ty xây dựng ở thành phố Thanh Hóa cũng đành chấp chấp nhận cái tên như hiện giờ - một cái tên mà theo anh là vô nghĩa.
Anh kể ông nội anh vốn là người nhiều chữ nghĩa, ông đặt tên cho 3 anh em là Trí Tuệ, Trí Thức và Chí Công với mong muốn công danh đỗ đạt. Chẳng ngờ đến năm lớp 9, giấy khen và bằng tốt nghiệp lại ghi là “Chí Thức”- kiến nghị bao lần vẫn không sửa, thế là chấp nhận với cái tên vô nghĩa trên trời rơi xuống.
Trường hợp 3:
Trong một hội chợ làm việc mới ở Hà Nội, cô gái Nguyễn Thùy Chang tốt nghiệp ĐH Lao động Xã hội đến tìm việc. Khi viết tên, nhà tuyển dụng đã nhìn cô với ánh mắt tròn xoe và bắt cô phải viết lại tên mình.
"Em còn nhớ như in một lần xin vào làm quản lý nhân lực. Em nói lí nhí tên mình là 'Chang', không phải "Trang". Bà phỏng vấn hỏi lại 'Trang trâu hay Chang chó' rồi nhìn vào hồ sơ hạ một câu 'là Chang chó' khiến em bị một trận cười giữa bao nhiêu người", cô gái trẻ đỏ mặt chia sẻ.
Cô phải giải thích tên của mình bị khai sai ngay từ đầu ở Giấy khai sinh
Trường hợp 4: Tranh chấp bởi từ “xả hai” hay “xã hai”
http://nld.com.vn/phap-luat/dien-dau-vi-hang-cot-xa-hai-20150701211927807.htm |
Đụng đến thủ tục hành chính là các bạn biết rồi đó, phức tạp, tốn thời gian và tiền bạc, thế nên nhiều người chấp nhận với cái tên sai chính tả. Đó là chỉ mới nói ảnh hưởng đến thủ tục hành chính.
Chưa kể nếu một thầy cô của bất kì cấp lớp nào, nếu sai chính tả, sẽ dạy cho các bạn học sinh, sinh viên sai, truyền cả một thế hệ sai chính tả, và kéo theo hàng loạt người sai chính tả như hiệu ứng domino.
Văn bản pháp luật cũng vậy, sai chính tả dù một lỗi nhỏ cũng phải có văn bản đính chính vì hệ lụy ảnh hưởng về sau sẽ rất nghiêm trọng. Thử search xem có văn bản nào quy định hướng xử lý hay lỗi phạt gì nếu một người làm trong cơ quan nhà nước viết tay hoặc đánh máy sai chính tả không thì thấy một vài văn bản phải nêu về việc đính chính lỗi chính tả của một văn bản đã ban hành.
Trong các văn bản liên quan đến hành chính, đều có ghi nếu sai sót phải đính chính, sửa chữa, nhưng không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chế tài khi có sai sót chính tả? Thực tế, nhìn đó là một lỗi nhỏ, thế nhưng ảnh hưởng về sau không hề nhỏ? Thiết nghĩ chúng ta có nên đề xuất xử phạt nhất là với các cán bộ hộ tịch nếu viết sai chính tả?
Mình cũng thấy một số văn bản quy định phải đúng quy tắc chính tả Tiếng Việt…hay đại loại là đúng chính tả, nhưng sẽ rất cần nếu đưa ra quy định xử phạt hành chính thì cũng nên có văn bản quy định Danh mục chính tả Tiếng Việt hay Từ điển Tiếng Việt chính thống để có thể căn cứ vào đó mà xử phạt ?!
Chưa hết, Tiếng Việt học chưa xong, một thời trào lưu tuổi teen, các bạn teen thường hay sử dụng ngôn ngữ teen. Mấy bạn thử phiên dịch dùm mình đoạn này, mình đọc mà không hiểu ??
Dùng nói chuyện với nhau cho vui, nhưng dùng nhiều thành thói quen, thử nghĩ nếu các bạn này có con dạy cho con cái Tiếng Việt mà bằng ngôn ngữ này thì hỡi ôi, lại làm hư cả một thế hệ.
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 02/07/2015 11:46:48 SA
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 02/07/2015 11:46:25 SA