Điều 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
“1. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”.
Đồng thời theo Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 145. Áp dụng cách tính thời hạn
1. Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định (khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự 2015); Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn (khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự 2015).
=> Như vậy “Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế” thì ngày nhận quyết định cưỡng chế chính là ngày đầu tiên của thời hạn hay còn gọi là ngày “được xác định”. Đây là trường hợp thời hạn được xác định bằng ngày, do đó, ngày nhận quyết định cưỡng chế không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày nhận quyết định cưỡng chế. Với cách xác định đó, thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày nhận quyết định cưỡng chế.
Ví dụ: Ngày 1/1/2017 dương lịch là ngày nhận quyết định cưỡng chế. Vậy, thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế được tính bắt đầu từ ngày tiếp theo của ngày được xác định (1/1/2017) tức là ngày 2/1/2017 dương lịch, ngày kết thúc thời hạn là thời điểm kết thúc của ngày 16/1/2017 dương lịch. Nếu sang ngày 17/1/2017 mới thi hành quyết định cưỡng chế thì sẽ bị coi là vi phạm thời hạn thi hành.