Xác định quyền sử dụng đất khi đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài?

Chủ đề   RSS   
  • #607411 09/12/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Xác định quyền sử dụng đất khi đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài?

    Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Vậy quyển sử dụng đất thuộc về ai?

    Tìm hiểu nội dung án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài (được ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-CA năm 2020 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Tóm tắt nội dung vụ việc:

    Tại đơn khởi kiện ngày 18-9-2012 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Lý Kim S do bà Trần Thị Phượng L1 đại diện theo uỷ quyền trình bày: Năm 1958, cha mẹ bà S là vợ chồng cụ Lý Mã C, cụ Trần Thị K khai phá được khoảng 50.450m2 đất nông nghiệp, nay thuộc thửa số 135 diện tích 47.250m2, thửa số 138 diện tích 3.200m2 tại ấp X, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1971, vợ chồng cụ K giao cho con trai là ông Lý Kim Q quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên. Năm 1978, ông Q cho cụ Trần Văn C1 (em ruột cụ K) thuê diện tích đất trên, nhưng không lập giấy tờ và cụ C1 không trả tiền thuê đất (có lời khai cho rằng năm 1971, vợ chồng cụ K cho cụ C1 thuê diện tích đất nêu trên). Năm 1997, cụ C1 tự kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 47.250m2, thửa số 135. Tuy nhiên, cụ C1 cũng đã ký “Giấy xác nhận chủ quyền đất” ngày 30-5-2004, xác nhận cụ C1 có mượn đất nêu trên của vợ chồng cụ K. Khi bà S có ý định chuyển phần mộ của vợ chồng cụ K về phần đất trên thì ông Trần Văn N (người đang sử dụng đất) không đồng ý. Vì vậy, các con của vợ chồng cụ K là bà Lý Kim S, ông Lý Kim Q, ông Lý Kim S1, bà Lý Kim H thống nhất uỷ quyền cho bà S khởi kiện yêu cầu ông N phải trả lại toàn bộ diện tích 50.450m2 đất nêu trên.

    Tại phiên toà sơ thẩm, bà L1 (đại diện theo uỷ quyền của bà S) rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông N trả lại diện tích đo thực tế 30.674,7m2 tại thửa số 135 và yêu cầu được nhận số tiền đền bù do Nhà nước thu hồi diện tích 3.184 m2 đất tại thửa số 135.

    Bị đơn là ông Trần Văn N trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp do cụ Trần Văn C1 (cha của ông) sử dụng từ trước năm 1975 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Sau đó, cụ C1 đã làm thủ tục tặng cho diện tích đất này cho ông; ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009 và trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất này từ đó cho đến nay. Đối với Giấy xác nhận ngày 30-5-2004 do bà S cung cấp, ông xác định chữ ký trong giấy không phải chữ ký của cụ C1, nhưng ông không yêu cầu giám định. Trong quá trình sử dụng đất, Nhà nước đã thu hồi một phần đất để làm đường. Gia đình ông đã sử dụng ổn định diện tích đất nêu trên trước năm 1975 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không chấp nhận yêu cầu đòi đất của các con vợ chồng cụ K.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    -Cụ Võ Thị B trình bày: Khoảng năm 1970-1971, khi cụ về sống với cụ C1 thì cụ C1 đã canh tác, sử dụng phần đất tranh chấp. Cụ C1 có nói phần đất này là thuê của cụ K, khi gia đình cụ K xuất cảnh, định cư ở Mỹ thì cụ K đã chuyển nhượng phần đất trên cho cụ C1. Quá trình sử dụng, cụ C1 đã đăng ký, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997; đến năm 2009, cụ C1 làm thủ tục tặng cho ông N. Cụ không đồng ý giao trả phần đất tranh chấp cho các con của cụ K, cụ C.

    Các ông bà Trần Thị D, Trần Thị Đ, Trần Thị T và Trần Văn Q1 trình bày: Cụ Trần Văn C1 (chết năm 2009) và cụ Đặng Thị V (chết năm nào không rõ) có 04 người con là các ông bà. Sau khi cụ V chết, cụ C1 sống chung với cụ Võ Thị B và có 07 người con gồm các ông bà: Trần Văn H1, Trần Thị Cẩm H2, Trần Văn L, Trần Văn N1, Trần Thị M, Trần Thị G và Trần Văn N. Nguồn gốc đất tranh chấp trước đây là của vợ chồng cụ C, cụ K. Do hoàn cảnh khó khăn nên cụ C1 đã mượn phần đất tranh chấp của vợ chồng cụ K, khi mượn đất không làm giấy tờ. Sau đó, gia đình cụ K đi nước ngoài sinh sống thì cụ C1 đã tự kê khai đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi các con của vợ chồng cụ K biết, cụ C1 đã viết giấy thừa nhận đất mà cụ C1 đứng tên là của vợ chồng cụ K cho mượn. Các ông bà đều đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà S.-

    Các ông bà Trần Văn H1, Trần Thị Cẩm H2, Trần Văn L, Trần Văn N1, Trần Thị M, Trần Thị G trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp của ai thì các ông bà không biết nhưng từ khi sinh ra và lớn lên thì cụ C1 (cha của các ông bà) đã canh tác phần đất này. Năm 1997, cụ C1 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2009 cụ C1 đã tặng cho ông N và ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các ông bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà S.

    [...]

    Nhận định Tòa án:

    [1] Thửa đất số 135 tại ấp X, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu có nguồn gốc do vợ chồng cụ K khai phá khoảng năm 1958, nhưng gia đình cụ C1 đã sử dụng ổn định đất này ít nhất từ năm 1975 cho đến nay. Quá trình sử dụng, cụ C1 đã đăng ký, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997, sau đó cụ C1 đã làm thủ tục tặng cho ông N và ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Vợ chồng cụ K không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất trên và không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (trước đây là Điều 50 Luật Đất đai năm 2003). Mặt khác, gia đình cụ K đều đã xuất cảnh, định cư ở Mỹ, nên không đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 183 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, vợ chồng cụ K không có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang tranh chấp nêu trên. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S là không đúng.

     

    [2] Tại phiên toà phúc thẩm, phía nguyên đơn và phía bị đơn tự thoả thuận, theo đó ông N được quyền sử dụng diện tích 30.674,7m2, thửa đất số135, nhưng phải thanh toán cho phía nguyên đơn ½ giá trị quyền sử dụng diện tích 30.674,7m2 đất và ½ số tiền Nhà nước bồi thường (đã trừ 163.450.000 đồng tiền hỗ trợ cho hộ gia đình sinh sống trên đất) khi thu hồi 3.184m2 đất. Từ đó, Toà án cấp phúc thẩm quyết định bà L1 (đại diện theo uỷ quyền của bà S, ông S1, bà H, ông Q) được quyền liên hệ Ban quản lý dựán đầu tư xây dựng cơ bản huyện H để nhận 636.800.000 đồng tiền bồi thường khi thu hồi đất và 73.246.970 đồng do ông N trả; ông N được quyền sử dụng diện tích 30.674,7m2, thửa đất số 135. Tuy nhiên, theo các trích đo địa chính các phần đất kèm theo Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm thì trong tổng diện tích 30.674,7m2 đất mà ông N được quyền sử dụng theo quyết định của Bản án, có 813,7m2 thuộc thửa đất số 545 (đứng tên ông Trương Văn N2) và 1.233,6m2 thuộc thửa đất số 136 (do Nhà nước quản lý). Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa các chủ sử dụng các thửa đất này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mà quyết định giao các diện tích thuộc các thửa đất nêu trên cho ông N sử dụng là không đảm bảo quyền lợi của họ và vi phạm nghiêm trọng tố tụng được quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

    Nội dung của Án lệ:

    “[1] Thửa đất số 135 tại ấp X, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu có nguồn gốc do vợ chồng cụ K khai phá khoảng năm 1958, nhưng gia đình cụ C1 đã sử dụng ổn định đất này ít nhất từ năm 1975 cho đến nay. Quá trình sử dụng, cụ C1 đã đăng ký, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997, sau đó cụ C1 đã làm thủ tục tặng cho ông N và ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Vợ chồng cụ K không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất trên và không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (trước đây là Điều 50 Luật Đất đai năm 2003). Mặt khác, gia đình cụ K đều đã xuất cảnh, định cư ở Mỹ, nên không đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 183 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, vợ chồng cụ K không có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang tranh chấp nêu trên. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S là không đúng.”

    Như vậy, đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo nội dung án lệ số 32/2020/AL, trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở để chấp nhận.

     

     
    287 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận