Tôi là người Kinh, vợ tôi là người Mường, là dân tộc thiểu số. Trước đây, khi sinh con, chúng tôi có thỏa thuận cho con theo dân tộc của tôi là dân tộc Kinh. Được biết người thuộc dân tộc thiểu số có nhiều ưu đãi hơn từ nhà nước cho nên đến năm 15 tuổi chúng tôi quyết định thay đổi dân tộc cho con sang dân tộc của mẹ. Vậy cho hỏi, chúng tôi có cần sự đồng ý của con tôi không?
1. Xác định lại dân tộc cho con thì có cần con đồng ý không?
Căn cứ theo khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 có quy định “Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Cũng theo Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền xác định lại dân tộc như sau:
“1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
…
3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình
4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó."
Theo đó, cha mẹ có quyền quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc cho con trong trường hợp cha, mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau. Và việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
Như vậy, nếu như con của anh đã đủ 15 tuổi thì khi anh chị muốn làm thủ tục xác định lại dân tộc cho con theo dân tộc của chị thì phải được người con đồng ý.
2. Ủy ban cấp xã có giải quyết việc xác định lại dân tộc cho người đã đủ 15 tuổi hay không?
Căn cứ Điều 46 Luật Hộ tịch 2014 có quy định về thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc như sau:
"1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc."
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc xác định lại dân tộc.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết việc xác định lại dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền này.
3. Làm thủ tục xác định lại dân tộc cho con có tốn phí không?
Hiện nay, mức lệ phí xác định lại dân tộc cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Ví dụ như ở TP.HCM, theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND thì mức thu khi làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc là 25.000 đồng/trường hợp.
Lưu ý: Trừ các trường hợp được miễn lệ phí theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật phí và lệ phí.