Nước Mỹ là một đất nước phát triển và quan niệm của họ về các vấn đề như hôn nhân đồng giới cũng sẽ cởi mở hơn các nước phương Đông trong đó có Việt Nam ta, quan niệm về hôn nhân đồng giới còn rất khắt khe mà lí do lớn nhất đó là hôn nhân đồng tính không phù hợp với thuần tục với thuần phong mĩ tục của người Việt Nam.
Phong tục tập quán cũng vận động và phát triển theo thời gian. Đã có nhiều vấn đề pháp luật đi trước phong tục, như hôn nhân một vợ một chồng, hay quyền bình đẳng của phụ nữ. Thời xưa, khó có thể tưởng tượng việc đàn ông lại có thể bị cấm lấy nhiều vợ. Người da đen cũng bị coi là công dân hạng hai một thời gian dài, đơn giản vì người ta nghĩ rằng da đen là thấp kém. Cũng như nhiều quốc gia đã từng kịch liệt phản đối việc phụ nữ đi học, làm việc, bầu cử hay tham gia chính trị. Truyền thống văn hóa là phụ nữ phải ở nhà bếp núc, phục vụ chồng con, không tham gia vào chuyện của đàn ông, không có chuyện nam nữ bình quyền được. Nhưng tất cả những truyền thống văn hóa ấy đã và đang thay đổi. Tại sao? Câu trả lời đơn giản là vì con người ngày càng tự do hơn, mong muốn hạnh phúc toàn diện hơn và người đồng tính cũng vậy, họ cũng mong muốn được sống đúng với con người thật của mình, được mưu cầu hạnh phúc, hơn nưa khi được pháp luật công nhận rồi sẽ giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn. Chừng nào pháp luật còn chưa công nhận, họ sẽ còn thấy băn khoăn, lo lắng và dễ bị tổn thương khi chung sống với nhau, do chưa ràng buộc với nhau một cách chính thức.
Quan trọng không kém, sự công nhận của pháp luật còn có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thể hiện rằng xã hội tôn trọng phẩm giá của mọi con người như nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân. Đó chính là sự công bằng. Mọi người đóng thuế như nhau, thì phải có quyền lợi như nhau. Kết hôn không phải là đặc quyền của một nhóm người nào cả, mọi người đều có quyền kết hôn miễn là tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền của người khác.