Vừa mới đây Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vừa mở rộng điều tra và khám xét hàng loạt các phòng khám y tế trên địa bàn. Qua đó, xác minh làm rõ hành vi nhận làm giấy chứng nhận không đủ điều kiện để nghỉ việc hưởng BHXH.
Theo thông tin từ Công an thành phố cho biết chuyên án có quy mô rất lớn, ước lượng có vài chục ngàn người mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi bảo hiểm xã hội lên đến hàng trăm tỉ đồng.
1. Cơ sở khám bệnh làm giả giấy khám bệnh bị xử lý ra sao?
Căn Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử lý như sau:
Khung thứ nhất: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 02 năm.
Khung thứ hai: Bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm
- Có tổ chức.
- Phạm tội 02 lần trở lên.
- Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác.
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung thứ ba: Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
- Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên.
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
2. Phạm tội trục lợi BHXH có thể bị xử lý bao nhiêu năm tù?
Bên cạnh việc cơ sở khám bệnh này làm giả giấy tờ thì còn phạm tội trục lợi BHXH cho người lao động nghỉ việc theo đó, tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gian lận BHXH, BHTN như sau:
Khung 1: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm:
- Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH.
- Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, BHTN.
Khung 2: Bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
- Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Bị phạt tù từ 05 năm - 10 năm
- Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500 triệu đồng trở lên.
- Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, trường hợp cơ sở khám chữa bệnh làm giả giấy khám bệnh để trục lợi BHXH cho NLĐ thì người thực hiện có thể đối mặt với 2 tội hình sự với tội làm giả giấy khám bệnh cao nhất lên đến 7 năm tù và trục lợi BHXH cao nhất là 10 năm tù.