Chào bạn!
Theo hướng dẫn tại điểm b mục 12 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC thì:
Đối với trường hợp sử dụng điện để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Theo như bạn cung cấp thì người này đã bị xử mức án 7 năm tù. Vậy có thể khẳng định là người này đã bị xét xử về tội "Giết người" chứ không phải về tội "Vô ý làm chết người". Bởi tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 98 BLHS chỉ có 2 khung hình phạt. Trong đó khung 1 có mức phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, còn khung 2 là từ 3 năm đến 10 năm nhưng với điều kiện là làm chết nhiều người. Do đó với mức án 7 năm thì người này không thể bị xử về tội này vì chỉ làm chết 1 người.
Cũng có thể suy đoán luôn là người này bị xét xử về tội "Giết người" theo khoản 2 Điều 93 BLHS, có mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Bởi Điều 93 quy định chỉ có 2 khung hình phạt, cụ thể như sau:
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Đối chiếu với điều luật trên thì hành vi giăng điện để bẫy chuột làm chết người không thỏa mãn bất cứ một điểm nào quy định tại khoản 1. Vì vậy mà người này đã bị xử theo khoản 2.
Do không biết được Tòa án đã áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào đối với người này, nên không thể trả lời bạn là mức án 7 năm tù dã phù hợp hay chưa.
Về phần người vợ, nếu việc mắc điện bẫy chuột chỉ do một mình ông chồng thực hiện thì người vợ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!