Quan hệ vợ chồng đã được Pháp luật công nhận dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, trong quan hệ vợ chồng thì việc quan hệ tình dục là sự mặc nhiên được pháp luật và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trường hợp người chồng thường xuyên dùng vũ lực, đe dọa ép buộc nhau quan hệ tình dục trái ý muốn người vợ thì người vợ có thể tố cáo người chồng có phạm tội hiếp dâm không?
Quy định của pháp luật về tội hiếp dâm
Khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội hiếp dâm: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm.
Để xác định hành vi hiếp dâm có phải là tội phạm hay không cần thỏa mãn cấu thành tội phạm sau đây:
1. Chủ thể của tội hiếp dâm
Như đã viện dẫn nêu trên, điều luật mô tả “người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chỉ cần người đó có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”, thì bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, bất cứ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự đều là chủ thể của tội hiếp dâm.
2. Khách thể tội hiếp dâm
Tội hiếp dâm xâm phạm quan hệ nhân thân của nạn nhân - quyền được tự do trong quan hệ tình dục, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người được pháp luật bảo vệ.
3. Mặt khách quan của tội hiếp dâm
· Người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác.
Ví dụ: Hành vi trói tay, đè ngã, bịt miệng, bóp cổ… làm nạn nhân nhân không thể kháng cự được để giao cấu. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là người phạm tội sử dụng lời nói đe dọa người bị hại nếu không thực hiện theo ý muốn của họ thì sẽ sử dụng vũ lực, lời răn đe… nhằm uy hiếp vô hiệu hóa khả năng kháng cự của nạn nhân để giao cấu trái ý muốn của họ.
· Người phạm tôi có hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ.
Ví dụ: Tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân như bị què, cụt, bị tâm thần, say rượu...
· Người phạm tội có hành vi dùng thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân.
Ví dụ: người phạm tội làm cho người bị hại không biết hoặc rơi vào tình trạng biết nhưng không có khả năng nhận thức tạm thời như cho người bị hại uống thuốc ngủ, các loại thuốc gây mê, uống rượu say, thuốc kích dục…
4. Mặt chủ quan của tội hiếp dâm.
Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, nhận thức được hành vi của họ là trái pháp luật, xâm hại đến người khác nhưng họ vẫn thực hiện.
Chồng có phải trường hợp ngoại trừ tội hiếp dâm hay không?
Trong quan hệ hôn nhân nếu người chồng ép buộc quan hệ tình dục trái ý muốn của người vợ thì người chồng có bị tố cáo tội hiếp dâm hay không? Chồng có phải trường hợp ngoại trừ tội hiếp dâm hay không?
Theo điều luật quy định tại phần giả định mô tả “người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chủ thể của tội phạm này là nam hoặc nữ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”, thì bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, có thể hiểu rằng, quy định này không loại trừ trách nhiệm vợ/chồng thỏa mãn yếu tố cấu thành tội hiếp dâm nêu trên.
Theo quy định điểm đ Khoản 1 Điều Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định “cưỡng ép quan hệ tình dục” là một trong những hành bạo lực gia đình. Tại khoản 1 Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Vì vậy, theo quy định Luật Phòng chống bạo lực gia đình, người chồng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Đối với tội hiếp dâm quy định tại Khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 bắt buộc phải có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới thụ lý giải quyết. Vì vậy, có thể tố cáo chồng về hành vi hiếp dâm khi chính người vợ làm đơn khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền. Khi thực hiện quyền yêu cầu khởi tố người bị hại cần cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, việc không có chứng cứ để chứng minh không làm hạn chế quyền tố cáo về hành vi hiếp dâm, bởi vì trách nhiệm chứng minh và truy tìm chứng cứ để làm sáng tỏ vụ việc thuộc về cơ quan tố tụng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Có thể tố cáo chồng về hành vi hiếp dâm được không ?”. Trường hợp quý khách có vấn đề nào chưa hiểu hoặc thắc mắc thì vui lòng liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được ý kiến phản hổi của Qúy khách hàng