ECOSOC là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo. ECOSOC cũng có thể đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện quyền con người. ECOSOC có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và điều phối các nỗ lực quốc tế, tăng cường phối hợp chính sách để thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Được tín nhiệm bầu vào ECOSOC vào thời điểm hết sức quan trọng này, chúng ta ý thức được trách nhiệm rất lớn của Việt Nam. Với tinh thần hợp tác, xây dựng, chúng ta sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của ECOSOC, huy động sự tham gia của các lực lượng, các nguồn lực trong xã hội, đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển của Liên Hợp Quốc, phát huy hiệu quả của hợp tác phát triển để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường .
Chúng ta cần bắt tay ngay vào triển khai thực hiện tốt các SDG tại Việt Nam. Lời nói hay nhất chính là hành động. Đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta đóng góp được cho thế giới. Chúng ta đã thành công trong việc thực hiện được nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ là một trong những nước đi đầu tích cực thực hiện các SDG.
Việc Việt Nam ứng cử và trở thành thành viên ECOSOC là bước quan trọng triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XI, thể hiện tầm nhìn dài hạn, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và đẩy mạnh ngoại giao đa phương nói riêng.
Nguồn: Đời sống và Pháp luật