VKSNDTC giải đáp thắc mắc về thời hiệu khởi kiện và hợp đồng vô hiệu

Chủ đề   RSS   
  • #598739 18/02/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    VKSNDTC giải đáp thắc mắc về thời hiệu khởi kiện và hợp đồng vô hiệu

    Ngày 15/02/2023 Viện Kiểm sát nhân tối cao có Công văn 443/VKSTC-V9 về việc giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ KSVGQ các VVDS, HN và GĐ.
     
    Theo đó, VKSNDTC giải đáp một số thắc mắc về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu và giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất như sau:
     
    vksndtc-giai-dap-thac-mac-ve-thoi-hieu-khoi-kien-va-hop-dong-vo-hieu
     
    (1) Về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện
     
    Ngày 01/01/2017, ông A vay của Ngân hàng 01 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 12%/năm, ngày hết hạn hợp đồng là ngày 01/01/2018. Đến hạn hợp đồng ông A không trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, nhưng Ngân hàng không khởi kiện. 
     
    Ngày 01/4/2021, Ngân hàng mời ông A lên làm việc để thống nhất số tiền vốn, lãi còn nợ và đưa ra phương án trả nợ, tại buổi làm việc ông A thừa nhận còn nợ Ngân hàng 01 tỷ tiền nợ gốc và 200 triệu đồng tiền lãi. Nhưng ông A vẫn không trả vốn và lãi mặc dù được Ngân hàng nhắc nhở nhiều lần. 
     
    Ngày 01/7/2021, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ gốc và lãi. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ông A yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện.
     
    Trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện của Ngân hàng được tính từ ngày hết hạn hợp đồng là 01/01/2018 hay ngày ông A thừa nhận nợ 01/4/2021?
     
    VKSNDTC Trả lời:
     
    - Đối với yêu cầu trả tiền nợ gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015.
     
    - Đối với yêu cầu trả tiền lãi, thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015).
     
    Trong vụ án trên, mặc dù ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ 01/01/2018 nhưng Ngân hàng không có ý kiến gì. Đến 01/4/2021, Ngân hàng mời ông A lên làm việc để thống nhất số tiền vốn, lãi còn nợ và đưa ra phương án trả nợ. 
     
    Do đó, có thể hiểu Ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ cho ông A, giữa Ngân hàng và ông A có thỏa thuận mới về thời hạn trả nợ. Do đó, thời hạn 03 năm được tính từ ngày ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ sau khi đã chốt lại nợ với Ngân hàng.
     
    (2) Về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu
     
    Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án không hỏi, không giải thích cho các đương sự biết về hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà đến phiên tòa mới hỏi các đương sự có đề nghị giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không.
     
    Các đương sự trả lời không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tòa án căn cứ vào đó không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là đúng hay sai?
     
    VKSNDTC Trả lời:
     
    Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 và hướng dẫn tại Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì: 
     
    “…Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án...Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu…”. 
     
    Do vậy, trong trường hợp này, việc Tòa án chỉ hỏi mà không giải thích rõ cho các đương sự về hậu quả khi tuyên hợp đồng vô hiệu, không lập biên bản xác định rõ yêu cầu của các đương sự là thiếu sót, vi phạm. 
     
    Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần yêu cầu Tòa án giải thích rõ cho các đương sự, nếu các đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết thì Tòa án lập biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án mới bảo đảm đúng quy định.
     
    (3) Về giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
     
    Thửa đất của A và thửa đất của B liền kề nhau, khi A xây hàng rào có lấn sang một phần đất của B. B biết nhưng không có ý kiến gì và các bên sử dụng hàng rào ổn định, không có tranh chấp. 
     
    Sau đó, B chuyển nhượng toàn bộ diện tích thửa đất của B cho C, trong hợp đồng chuyển nhượng ghi diện tích trên GCNQSDĐ của B (gồm cả diện tích đất đã bị A lấn chiếm). C được cấp GCNQSDĐ với diện tích đúng bằng diện tích đã nhận chuyển nhượng trên GCNQSDĐ của B. 
     
    Sau đó, C phát hiện diện tích đất thực tế bị thiếu so với diện tích trên GCNQSDĐ và khởi kiện yêu cầu A trả lại phần đất lấn chiếm. Trường hợp này khi giải quyết phải căn cứ vào mốc ranh giới thực tế sử dụng giữa A và B để bác yêu cầu khởi kiện đối với C hay buộc A phải trả lại phần đất lấn chiếm.
     
    VKSNDTC Trả lời:
     
    Trên cơ sở những thông tin nêu trên, VKSND tối cao có ý kiến như sau:
     
    - Diện tích đất bị A lấn chiếm là của B, thể hiện trong GCNQSDĐ của B. Việc B không phản đối khi A lấn chiếm một phần diện tích đất của mình và để A xây hàng rào không đương nhiên được hiểu là B đã cho A diện tích đất trên.
     
    - Khi B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho C đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên GCNQSDĐ (gồm cả diện tích đất bị A lấn chiếm) cho thấy B vẫn xác định diện tích đất này là của mình. Còn C đã trả tiền cho toàn bộ diện tích đất trên GCNQSDĐ của B.
     
    - Toà án cần để A và C thỏa thuận về việc A có được tiếp tục sử dụng đất lấn chiếm không. Nếu C không đồng ý, A phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm cho C.
     
    Xem thêm Công văn 443/VKSTC-V9 ban hành ngày 15/02/2023.
     
    695 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (18/02/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận