VKSND tối cao giải đáp vướng mắc về công cụ phạm tội là tài sản hình thành từ tài sản chung của vợ chồng

Chủ đề   RSS   
  • #603206 12/06/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1707 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    VKSND tối cao giải đáp vướng mắc về công cụ phạm tội là tài sản hình thành từ tài sản chung của vợ chồng

    Ngày 05/6/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 2160/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS.

    Để nâng cao nhận thức áp dụng các quy định, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, tại Công văn 2160/VKSTC-V14, Viện Kiểm sát tối cao có ý kiến về phản ánh đề nghị hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS năm 2015), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, về thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự (THAHS), như sau:

    Trường hợp 1: Xử lý như thế nào đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong 02 trường hợp: (1) phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản của người phạm tội đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; (2) phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng?

    VKSND tối cao trả lời:

    (1) Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”.

    Và quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP nêu trên thì “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”.

    Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định Điều 47 BLHS năm 2015, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tức là bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự.

    Xem thêm bài viết liên quan: VKSND tối cao giải đáp một số vướng mắc về hành vi hiếp dâm, giao cấu, mua dâm theo BLHS 2015

    (2) Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. 

    Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

    Trường hợp 2: Điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015 quy định “vật chứng là tiền... phải được giám định ngay sau khi thu thập”. Vậy có phải mọi trường hợp vật chứng là tiền thì đều bắt buộc phải trưng cầu giám định không?

    VKSND tối cao trả lời:

    Mặc dù điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015 có quy định về giám định, nhưng đây chỉ là quy định về thời điểm giám định: “ngay sau khi thu thập”. Để xác định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định thì phải áp dụng những quy định cụ thể tại Chương XV BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. 

    Cụ thể, theo khoản 5 Điều 206 BLTTHS năm 2015, khi cần xác định tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định. 

    Như vậy, trường hợp vật chứng là tiền trong các vụ án đối tượng phạm tội là tiền giả hoặc khi có căn cứ nghi ngờ tiền thu giữ là tiền giả thì cơ quan tiến hành tố tụng mới phải (bắt buộc) trưng cầu giám định, không phải mọi trường hợp vật chứng là tiền thì đều bắt buộc trưng cầu giám định.

    Trường hợp 3: Trong vụ án giao cấu với bị hại 13 tuổi dẫn đến bị hại có thai và sinh con (bị cáo 20 tuổi), Tòa án xác định bị cáo có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Vậy mức cấp dưỡng nuôi con có phụ thuộc vào độ tuổi của người bị hại hay không?

    VKSND tối cao trả lời:

    Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đủ thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

    Pháp luật không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng theo độ tuổi của người bị hại (người mẹ). Do đó, không có căn cứ pháp luật để xác định mức cấp dưỡng nuôi con theo độ tuổi của người bị hại.

    Xem chi tiết tại Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023.

    Xem thêm bài viết liên quan: VKSND tối cao giải đáp một số vướng mắc về hành vi hiếp dâm, giao cấu, mua dâm theo BLHS 2015

     
    1968 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (03/07/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận