Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Vậy, việc phân bổ, quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Việt Nam được quy định thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé
(1) Nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là những nguồn nào?
Theo quy định tại Điều 20 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024, nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm các nguồn sau đây
- Ngân sách nhà nước.
- Nguồn tài chính của doanh nghiệp gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Nguồn từ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ hợp pháp khác chi cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
Như vậy, nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng đến từ: ngân sách nhà nước; tài chính của doanh nghiệp, bao gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp; Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ hợp pháp khác; và một số nguồn vốn hợp pháp khác.
Những nguồn lực này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ tổ quốc.
(2) Việc quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng an, ninh được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024, an ninh được quy định như sau:
- Ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
- Nhà nước bảo đảm cấp đủ vốn điều lệ ban đầu, đầu tư bổ sung và tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
- Trong trường hợp cấp bách, được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Lợi nhuận sau thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, được sử dụng toàn bộ để thực hiện các nhiệm vụ sau đây theo quy định của Chính phủ:
+ Trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh;
+ Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công;
+ Nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập, chi cho các nhiệm vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất hoặc mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
- Ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt nếu chưa sử dụng hết thì được phép chuyển nguồn đến khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ.
Việc quy định công tác quản lý chặt chẽ như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh của đất nước.
(3) Xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh
Theo quy định tại Điều 22 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Theo đó, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây:
- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
- Nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định;
- Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024.
- Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước
- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
- Không vì mục đích lợi nhuận
- Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả
- Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt
Những quy định này đảm bảo Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh hoạt động hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Trên đây là một số quy định về việc phân bổ, quản lý nguồn tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Việt Nam được quy định tại.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.