Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có vướng mắc

Chủ đề   RSS   
  • #560365 12/10/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có vướng mắc

    Phân biệt giám đốc thẩm và tái thẩm trong hình sự

    Th.s ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội) - Sau khi nghiên cứu bài viết “Vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự” của tác giả Thanh Thủy đăng ngày 05 /10/ 2020, tôi cho rằng việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có vướng mắc.

    Đối với nội dung vụ án mà tác giả đưa ra và hai quan điểm trong việc xác định hay không xác định tư cách tham gia tố tụng của chị Ngô Thị Thảo Ng để xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho con, trong đó quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, cụ thể là “Không xác định tư cách tham gia tố tụng của chị Ngô Thị Thảo Ng”, tôi hoàn toàn đồng tình.

    Tôi cho rằng quan điểm thứ hai là không có cơ sở. Với các lý do sau:

    Thứ nhất, theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.” Trong vụ việc này chúng ta thấy các bị cáo Trần Huy Th và Trương Tuấn T bị truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS (thuộc trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người). Qúa trình giải quyết vụ án  hai bị cáo đã thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho đại diện hợp pháp của bị hại là bà Nguyễn Thị H, việc bồi thường đã thực hiện xong.

    Trong quá trình điều tra còn xác nhận chị Ngô Thị Thảo Ng có sống chung sống như vợ chồng với bị hại Nguyễn Phong H, có một con chung là cháu Ngô Trí Th, sinh năm 2017 và ngày 22/5/2020 chị Ng có đơn yêu cầu các bị cáo bồi  thường tiền tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng cho cháu Ngô Trí Th theo quy định của pháp luật. Chị Ngô Thị Thảo Ng đưa ra các chứng cứ chứng minh cho mối quan hệ của chị và bị hại Nguyễn Phong H, gồm: hình ảnh đám cưới của chị Ng với bị hại H, giấy khai sinh của cháu Ngô Trí Th nhưng không có họ tên cha, giấy tờ xác nhận của tổ dân phố xác nhận cháu Ngô Trí Th là con của chị Ngô Thị Thảo Ng với bị hại Nguyễn Phong H.

    Đây là vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều tra, tuy nhiên với những chứng cứ đưa ra chưa thể có cơ sở để khẳng định được cháu Ngô Trí Th là con và chị Ngô Thị Th Ng là vợ của bị hại Nguyễn Phong H. Vì việc xác định quan hệ vợ chồng là hợp pháp khi các bên đủ tuổi theo quy định và hiện các bên đều không có vợ, có chồng và phải được đăng ký kết hôn, tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định: “ 1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. 2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”. Và tại Điều 88 có quy định: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”. Mặc dù, dữ kiện nội dung vụ án mà tác giả nêu không đề cập việc bị hại Nguyễn Phong H đã có vợ con hợp pháp chưa, tuy nhiên, kể cả trong trường hợp mà bị hại Nguyễn Phong H đã có vợ con hợp pháp thì cũng không ảnh hưởng đến việc giải quyết đối với yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho chị Ngô Thị Thảo Ng và cấp dưỡng cho cháu Ngô Trí Th trong cùng vụ án này. Bởi, đối với yêu cầu này của chị Ngô Thị Thảo Ng được xem là một mối quan hệ pháp luật khác không thể cùng xem xét giải quyết trong vụ án này.

    Thứ hai, để có thể giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của chị Ngô Thi Thảo Ng thì đầu tiên phải xác định quan hệ giữa chị và bị hại Nguyễn Phong H là quan hệ vợ chồng và cháu Th là con của anh H. Trong khi trong vụ án chưa thể xác định được. Muốn xác định được trước tiên chị Ng phải làm thủ tục xác định cha cho con thông qua thủ tục tại Tòa án có thẩm quyền. Do vậy, yêu cầu của chị Ng tại thời điểm hiện tại không thể giải quyết trong cùng vụ án hình sự. Cho nên, đối với nhận định ở quan điểm thứ hai khi cho rằng: Trong trường hợp này, “Tòa án phải yêu cầu Viện kiểm sát trưng cầu giám định xét nghiệm huyết thống giữa cháu Ngô Trí Th và mẹ của bị hại Nguyễn Phong H. Căn cứ kết luận giám định, nếu kết luận cháu Ngô Trí Th là có cùng huyết thống với mẹ của bị hại Nguyễn Phong H, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu của chị Ngô Thị Thảo Ng theo quy định của pháp luật” là không có cơ sở. Vì, yêu cầu này được xem là mối quan hệ pháp luật khác. Để có thể giải quyết đối với yêu cầu của chị Ng, Tòa án đã thụ lý vụ án căn cứ theo quy định tại Điều 30 BLTTHS  tách yêu cầu của chị Ng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là có cơ sở và đúng pháp luật.

    Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài “Vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”, xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

    Theo Tạp chí tòa án

     

     
    1760 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (12/10/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận