Việc ban bố Tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh có ý nghĩa ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #573855 23/07/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (249)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    Việc ban bố Tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh có ý nghĩa ra sao?

    Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh - Minh họa

    Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh - Minh họa

    Hiện nay, có thể nói tình hình dịch bệnh trên khắp cả nước đang có dấu hiệu bùng phát rất mạnh và khó có thể kiểm soát triệt để. Bên cạnh áp dụng các Chỉ thị về phòng chống dịch, một số Đại biểu Quốc hội đề xuất thực hiện việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, DanLuat xin phân tích một số điểm về ý nghĩa của việc ban bố này.

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

    (1) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;

    (2) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

    Về thẩm quyền, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ ra Nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

    Có thể thấy, hiện nay tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã gần như hội tụ đủ những yếu tố được nhắc tới tại mục (1), phần còn lại phụ thuộc vào việc đánh giá của cơ quan chức năng, xem xét yếu tố “lây lan nhanh trên diện rộng” và “đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe” đã tác động đủ nghiêm trọng đến mức có cần ban bố tình trạng khẩn cấp hay chưa.

    Theo quy định tại Luật này, khi tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch có quyền những biện pháp chống dịch sau đây:

    - Huy động các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

    - Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

    - Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

    - Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

    - Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

    - Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

    - Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

    - Áp dụng các biện pháp chống dịch khác.

    Nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy hiện tại tất cả các biện pháp phòng chống dịch khi ban bố tình trạng khẩn cấp đều đã được thực hiện trên khắp cả nước! Chỉ duy nhất việc huy động các nguồn lực là chưa được thực hiện rộng rãi theo hướng mệnh lệnh, phục tùng mà chỉ mang tính kêu gọi.

    Điều 55 của Luật này (được sửa đổi, bổ sung bởi Luât trưng mua, trưng dụng tài sản 2008) có quy định về việc huy động các nguồn lực cho hoạt động chống dịch như sau:

    “Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khỏe nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.”

    Như vậy, ý nghĩa lớn nhất của việc ban bố tình trạng khẩn cấp là việc Nhà nước sẽ có thêm thẩm quyền huy động nguồn lực trong toàn dân, từ đó đề cao hơn nữa tinh thần ý thức, góp sức chống dịch trên khắp cả nước.

    Hiện tại, chúng ta vẫn chỉ thấy những lực lượng chức năng, những cơ quan thuộc quản lý Nhà nước được chỉ đạo tham gia chống dịch. Trong khi đó, còn rất nhiều cơ sở tư nhân, người lao động, thanh niên khắp cả nước đang phải ở yên trong nhà trông cậy vào các chính sách phòng chống dịch.

    Lực lượng tham gia chống dịch đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là đối với những tỉnh, thành phố đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc huy động thêm nguồn lực chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Hơn nữa, đội ngũ chống dịch sẽ là người được tiêm chủng, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước tiên nên yếu tố lây nhiễm chéo cũng được giảm đi đáng kể.

    Thêm vào đó, nếu đội ngũ nghiên cứu, sản xuất vắc xin được tăng cường, chúng ta sẽ sớm được chứng kiến những lô vắc xin nội địa được đưa ra tiêm chủng trên diện rộng, không cần phải trông đợi vào các chính sách viện trợ, phân chia vắc xin từ các nước khác trên thế giới!

    Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện rất chặt chẽ các biện pháp chống dịch tương tự như khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Kể cả khi có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không thì mỗi người dân cũng có thể đóng góp vào công cuộc kiểm soát dịch bệnh cho đất nước bằng cách thực hiện nghiêm chỉnh những chỉ đạo của Chính phủ, của từng địa phương để mau chóng ổn định tình hình,

    Hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ ý thức được vai trò của mình đối với xã hội trong thời điểm này, để các Chỉ thị, Công văn về phòng chống dịch sẽ sớm được kết thúc hiệu lực!

     
    448 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (23/07/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #574292   31/07/2021

    Có 3 tình trạng khẩn cấp: tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không cần phải thông qua đấu thầu.

     
    Báo quản trị |