Hóa đơn đỏ là một loại chứng từ thể hiện giá trị hàng bán hoặc giá trị dịch vụ cung cấp cho người mua. Việc lấy hóa đơn đỏ vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của khách hàng, nhưng không phải ai cũng có thói quen lấy hóa đơn đỏ.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa
Tại điểm khoản 1 Điều 18 Thông tư 39 cũng quy định: Khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn
Như vậy, khi bán hoặc cung cấp bất cứ dịch vụ nào có giá từ 200.000 đồng trở lên, người bán đều phải xuất hóa đơn đỏ. Lúc này, người mua sẽ phải thanh toán thêm 10% thuế giá trị gia tăng cho người bán để người bán thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế với cơ quan thuế.
Vậy tại sao phải lấy hóa đơn đỏ?
Như đã nói ở trên, việc lấy hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ) vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của khách hàng.
- Theo quy định, việc lấy hóa đơn đơn đỏ khi mua hàng sẽ giúp cho Nhà nước giám sát người bán hàng, cung cấp dịch vụ có nộp thuế đầy đủ hay không.
- Việc lấy hóa đơn đỏ cũng giúp người mua bảm đảm được một số quyền lợi như: Xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với sản phẩm, dịch vụ, từ đó có căn cứ để khiếu nại về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như yêu cầu về các chế độ bảo hành…