Vì sao cần bảo hộ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP?

Chủ đề   RSS   
  • #500188 21/08/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 489 lần


    Vì sao cần bảo hộ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP?

    Quyền sở công nghiệp là gì?

    Quyến sở hữu công nghiệp (QSHCN) đề cập đến quyền của người sáng tạo trí tuệ liên quan đến các đối tượng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và thương mại. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp có thể được phân thành hai nhóm theo tính chất riêng của chúng:

    - Nhóm thứ nhất: Các thành quả sáng tạo khoa học - công nghệ bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, KDCN, bí mật kinh doanh và thiết kế bố trí mạch tích hợp.

    - Nhóm thứ hai: Các dấu hiệu đặc trưng dùng để phân biệt bao gồm chỉ dẫn địa lý và  tên thương mại. Có thể thấy, những đối tượng này hàm chứa yếu tố sáng tạo trí tuệ không đáng kể, không nổi trội bằng nhóm thứ nhất nhưng vẫn được coi là đối tượng sở hữu trí tuệ vì chúng chứa đựng những dấu hiệu có khả năng truyền tin tới người tiêu dùng về sản phẩm. Việc bảo hộ các dấu hiệu mang tính đặc trưng này nhằm khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Theo đó, chúng ta có thể hiểu “Sở hữu công nghiệp” (SHCN) là các sáng tạo tinh thần bao gồm 07 đối tượng:

    1. Sáng chế: là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
    2. Kiểu dáng công nghiệp: là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
    3. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.
    4.  Nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
    5.  Tên thương mại: là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
    6.  Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
    7.  Bí mật kinh doanh: là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

    Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT) 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009 đã đưa ra định nghĩa cụ thể về QSHCN như sau:Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”

     

    TẠI SAO CẦN BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP?

    Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “bảo hộ” được hiểu theo nghĩa thông thường là “che chở, không để bị hư hỏng, tổn thất”. Việc bảo hộ luôn được gắn với sự quản lý của nhà nước thông qua các giải pháp để bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng chính sách, pháp luật mà mỗi quốc gia dành cho công dân hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú ở nước đó.

    Bảo hộ QSHCN được hiểu là nhà nước, bằng những quy định của pháp luật xác lập QSHCN (cấp văn bằng bảo hộ), xác định những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN và quy định những biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó. Như vậy, nếu tiến hành bảo hộ thì QSHCN sẽ được nhà nước bảo hộ bằng các chính sách và hệ thống pháp luật về QSHCN. 

    Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức là không bắt buộc. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình thì cần quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp mà mình có. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không nộp đơn yêu cầu bảo hộ, nếu có chủ thể khác cũng tạo ra hay sử dụng đối tượng tương tự, thì chủ thể đó có thể đăng ký để trở thành chủ sở hữu; từ đó, quyền của tổ chức, cá nhân ban đầu bị thu hẹp hoặc bị phủ định hoàn toàn bởi người được cấp văn bằng bảo hộ.

    Chúng ta nhận thấy được một trong những lợi ích thiết thực dễ thấy nhất đối với các đối tượng của QSHCN đó chính là là đặc quyền sử dụng. Những chủ thể nào có quyền sử dụng QSHCN sẽ tạo ra vị thế cạnh tranh rõ rệt đối với các chủ thể (có thể là đối thủ) khác trên thị trường. Mặt khác, bản chất của những sản phẩm mang tính sáng tạo mà các đối tượng của QSHCN mang lại đó là khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Chính bởi vậy, nếu chủ thể nào nắm trong tay QSHCN thì nhiều khả năng sẽ giành phần hơn về lợi nhận, doanh thu.

    Tuy nhiên, có thể nói rằng, nếu có sản phẩm mới vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự nhằm “trục lợi” từ uy tín mà sản phẩm trí tuệ mới trước đó đã đem lại. Và, đôi khi điều này sẽ khiến các nhà sáng tạo bị “đánh bật” ra khỏi thị trường, phải ngậm ngùi từ bỏ thành quả sáng tạo và sáng chế của mình.

    Thực tế trên chính là lý do quan trọng duy nhất để các nhà sáng tạo phải đầu tư trong vấn đề quản lý tài sản trí tuệ của mình nhằm mang lại cho họ các độc quyền sử dụng sáng chế…. Bảo hộ QSHCN theo pháp luật sở hữu trí tuệ mang lại quyền sở hữu đối với đối tượng sáng tạo hoặc đổi mới, do đó, hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.

     

    Bảo hộ QSHCN là bảo hộ có thời hạn

    Hiện nay, theo quy định tại LSHTT, mỗi loại đối tượng QSHCN đều có thời hạn bảo hộ nhất định, ngoài thời hạn bảo hội thì các đối tượng này đều được xem là sở hữu chung của nhân loại. Cụ thể, văn bản bảo hộ theo quy định hiện hành có thời hạn như sau:

    - Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

    - Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

    - Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

    - Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

    a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

    b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

    - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

    - Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

        Và để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực.

        Mặt khác, ngoài thời gian bảo hộ đã đề cập như trên, để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.

        Có thể lý giải nguyên nhân pháp luật đặt ra thời hạn bảo hộ của các đối tượng QSHCN xuất phát từ nguyên tắc Cân bằng lợi ích. Cụ thể, tùy từng loại đối tượng QSHCN mà nhà làm luật sẽ xem xét và đưa ra thời hạn bảo hộ hợp lý nhằm:

       + Đối với chủ sở hữu QSHCN: Trong thời hạn bảo hộ, các nhà làm luật cho rằng chủ sở hữu đã có thể lấy lại hết những công sức, trí tuệ mà mình đã bỏ ra để tạo nên các đối tượng của QSHCN. Mặt khác, sau khoảng thời gian bảo hộ nhất định thì ắt hẳn với tiến trình phát triển không ngừng, đối tượng đó cũng đã dần mất đi giá trị so với thời điểm ban đầu.

       + Đối với nhân loại: Các đối tượng của QSHCN đều là những tài sản trí tuệ sáng tạo, nó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học – công nghệ và ảnh hưởng đến nhiều chủ thể khác trong xã hội. Chính bởi vậy, pháp luật ghi nhận khi hết thời gian bảo hộ thì các chủ thể khác sẽ được quyền tự do được tiếp cận các QSHCN, điều này giúp nhân loại được tiếp cận với cái mới, với cái tiến bộ. Đây được xem là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nhân loại.

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 21/08/2018 05:30:12 SA
     
    4339 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    GHLAW (21/08/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận